Di Li: ‘Tôi tránh phiến diện khi viết tật xấu người Việt’
Di Li nói dành bốn tiếng mỗi ngày nghiên cứu, tìm dẫn chứng khi viết “Tật xấu người Việt”, cố gắng nêu nhận định khách quan thay vì suy diễn.
Cuốn sách ra mắt cuối năm ngoái, gồm 48 bài viết thể hiện quan sát, so sánh của tác giả khi tiếp xúc người Việt và nhiều người các nơi trên thế giới. Với góc nhìn phản biện, sách gây chú ý với độc giả. Dịp này, tác giả nói về câu chuyện viết sách.
– Từ cảm hứng nào chị chọn viết về chủ đề dễ va chạm và gây tranh cãi?
– Tôi nghĩ một cộng đồng hay một cá nhân, nhiều khi không thể nhận ra tật xấu, tính tốt của chính mình. Đơn giản vì từ khi cha sinh mẹ đẻ, ta đã thấy mọi người trong gia đình đều hành xử như vậy. Ra ngoài xã hội, ta cũng gặp điều tương tự nên mặc định nó bình thường, không ảnh hưởng đến ai. Có nhiều điều nếu nhận ra sớm, chúng ta có thể thay đổi được, dù không thể dễ dàng trong chốc lát.
Cuốn sách đơn giản giống như một cuộc trò chuyện. Tôi mong mọi người đọc xong, hãy lan tỏa để tất cả – trong đó có tôi, gia đình tôi – cùng thay đổi theo hướng tốt đẹp và văn minh hơn. Bởi nhiều thói quen tưởng chừng rất nhỏ, như việc gây ồn ào, cũng có thể làm gia tăng bệnh trầm cảm ở những người hàng xóm.
– Nói xấu thường khó hơn nói tốt, nhất là khi bàn về căn tính của cả tập thể, dân tộc. Vậy điều khó nhất của chị là gì?
– Đó là làm sao khiến người khác không cảm thấy tác giả đang dạy đời, đang đặt mình lên trên thiên hạ để phán xét. Nhưng trong quá trình viết, tôi không đắn đo lắm về điều đó. Hàng ngày, góp ý của tôi hiếm khi gây tự ái cho người khác. Nhìn chung, tôi tự nhận mình khá khéo léo về điểm này.
Một thách thức lớn là cộng đồng luôn có người nọ người kia, nói gì cũng có thể bị quy là “vơ đũa cả nắm”. Vì vậy, tôi lựa chọn những câu chuyện điển hình. Tôi có thuận lợi là được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, có nhiều bạn bè người nước ngoài, nên dễ dàng so sánh, đối chiếu. Nếu không đi ra thế giới, có khi tôi cũng không hay biết bản thân mình có những tật xấu hay tính tốt ấy.
Với tôi, nghiên cứu là quá trình vô cùng thú vị. Người khác nhìn đống tư liệu chất đống trong phòng ngủ của tôi có thể sẽ phát nản nhưng tôi coi đó là sở thích. Tôi thích hàng ngày nhốt mình trong thư viện tại nhà để mày mò. Ngụp lặn trong kiến thức, tôi thấy mình như được đi vòng quanh thế giới để khám phá. Thực tế, tôi vẫn còn một số bài viết chưa hoàn thành, chẳng hạn như mẩu chuyện về bệnh mê tín của người Việt. Nhưng sách cũng đã dày, nhà xuất bản giục giã, nên tôi hoàn thiện sớm. Nếu tái bản, tôi sẽ bổ sung sau.
– Khi viết về những điều nhạy cảm như bệnh sĩ, bệnh thành tích, chị làm sao để nội dung không phiến diện, chủ quan?
– Phiến diện và chủ quan là điều tôi tối kỵ nhất trong cuộc sống. Hàng ngày, khi nhận định về một vấn đề gì đó, tôi thường tự phản biện chính mình. Tôi chất vấn bản thân còn khắt khe hơn cả một hội trường vài trăm người đứng lên đánh giá.
Tôi duy trì một thói quen từ hồi tiểu học, đó là mỗi ngày dành ít nhất bốn tiếng để suy nghĩ, tư duy. Tôi nghĩ não người cũng giống như một chiếc máy tính, phải trải qua chu trình ba bước: Nạp dữ liệu, phân tích và xử lý thông tin, cho ra kết quả. Nếu AI càng được nạp nhiều thông tin thì độ chính xác của kết quả càng cao. Tuy nhiên, nếu dữ liệu ấy không được xử lý, chọn lọc mà chỉ phân tích một cách thô sơ thì độ chính xác cũng rất thấp.
Tôi thu thập dữ liệu sau khi đọc, gặp gỡ, lắng nghe, đi, trải nghiệm, quan sát, sau đó sẽ xử lý đống hỗn độn này ít nhất bốn tiếng mỗi ngày. Đó là lúc “cái máy tính” trong đầu tôi chạy sè sè. Tôi sẽ đặt ra vô vàn câu hỏi, các giả thiết, rồi lắp ghép các dẫn chứng để chứng minh, bằng phương pháp loại trừ, kết hợp với các biện pháp suy luận logic, ghi chú điểm chưa chặt chẽ. Sau đó, tôi sẽ tập hợp, tra cứu và phỏng vấn một số đối tượng phù hợp để tìm dẫn chứng cho những điểm chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ ấy.
Trong cuộc sống, dù là vấn đề nhỏ nhất, tôi cũng cố gắng đưa ra các luận điểm khách quan và dẫn chứng tin cậy, nên hiếm khi bị sơ hở. Còn khi viết sách, tôi thậm chí nâng lên một mức cao hơn là khuyến khích những người xung quanh phản biện để tôi tối đa hóa dẫn chứng. Như bài Trọc phú và quý tộc, tôi dành nguyên tuần chỉ để nghiên cứu gia phả các hoàng gia châu Âu, tất cả chỉ để viết một câu.
Tôi vốn thuộc tạng rất khó ngủ, thường xuyên phải dùng thuốc ngủ. Có lần, mấy người bạn thân nghe quá trình tôi “xử lý thông tin” trong não thì thở dài bảo “Cứ ủ mưu thế ngủ sao được” (cười).
– Chị thấy bản thân hội tụ những nét tính xấu nào của người Việt và tìm cách thay đổi ra sao?
– Tôi thi thoảng cũng vi phạm luật giao thông. Giờ giấc cũng hay lộn xộn. Rồi tính cả nể hoặc sĩ diện, duy tình hơn duy lý. Tôi cũng vẫn gây ồn, không đến mức như trong sách nhưng “đi Tây” thì cả nhóm thi thoảng cũng bị phê bình. Ở phương Tây, chỉ cần gây ồn ở bất cứ đâu là bị nhìn như kẻ tội đồ. Trong sách tôi viết “Để học được cách nói ‘không’ có lẽ phải mất cả nghìn năm”. Tôi cũng mất cả nửa đời để học nói từ này. Giờ mỗi lần làm điều gì không đúng, tôi hay lẩm bẩm: “Chết thật, tật xấu người Việt, mình lại mắc rồi”, và cố gắng điều chỉnh ngay.
– Viết sách trong thời gian 15 năm, có nhiều dẫn chứng chị đưa ra đã qua thời điểm nóng, chị lo ngại thế nào về tính thời sự của tác phẩm?
– Tôi nghĩ rằng những câu chuyện điển hình mà ai cũng biết sẽ dễ dàng tiếp cận với độc giả hơn. Thậm chí đọc những câu chuyện đó, hồi ức của độc giả sẽ sống động trở lại. Giả sử 100 năm nữa, lỡ có ai tìm được cuốn sách này lay lắt, phủ bụi ở một tiệm đồ cổ, thì những dẫn chứng nho nhỏ ấy biết đâu có thể là chi tiết của lịch sử. Nghiên cứu là việc có khi phải thực hiện cả đời. Cuốn này tôi viết trong 15 năm có thể vẫn còn là ít.
Các tật xấu của một dân tộc không dễ gì biến mất sau một, hai thập niên, đôi khi cần đến hàng thế kỷ. Nhưng tôi mong sau khi cuốn sách này ra đời, người ta sẽ dần ít hỏi nhau những câu cá nhân hơn. Tôi cảm nhận thế hệ sau đã ý tứ thế hệ trước nhiều rồi đấy. Chắc trong vòng 10 năm tới, không còn ai hỏi nhau những câu kém duyên như: “Khi nào cô lấy chồng ?”.
– Chị đón nhận những bình luận về sách thế nào?
– Ngay khi hoàn tất bản thảo, tôi đã biết người ta sẽ bàn luận về nó. Tôi không có gì bất ngờ khi tôi nhận được nhiều lời khen lẫn chê. Tôi bình thản trước mọi góp ý. Đây là đầu sách thứ 27 của tôi rồi nên những tác động của độc giả không còn lớn như trước. Cảm xúc của tôi giờ mạnh mẽ nhất ở giai đoạn phác thảo một cuốn sách mới trong đầu.
– Chị nghĩ sao nếu nói việc chị sắp ra mắt “Tính tốt người Việt” sau “Tật xấu người Việt” là cách “vừa đấm vừa xoa” độc giả?
– Phàm là con người, ai cũng có tính tốt và tật xấu. Chỉ trong chuyện cổ tích mới có người xấu toàn tập và tốt toàn phần như Tấm và Cám, Thạch Sanh và Lý Thông. Thậm chí, có lần tôi nói rằng điểm yếu nhất của văn học dân gian Việt Nam có lẽ là xây dựng nhân vật hơi giản đơn quá. Một là phản diện, hai là chính diện. Có thể một trong những tính vừa tốt vừa xấu của người Việt chính là sự giản đơn. Những nhân vật nổi tiếng nhất trong các tác phẩm kinh điển trên thế giới đều lẫn lộn giữa phần tốt và phần xấu, thậm chí bi kịch lớn nhất của đời họ là phải cuộc đấu tranh nội tại giữa tốt và xấu. Nên nếu tôi chỉ viết mỗi tật xấu hay mỗi tính tốt thì mới thực là phiến diện.
Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, 45 tuổi, sinh tại Hà Nội. Cô tốt nghiệp cử nhân ngành tiếng Đức và tiếng Anh tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, thạc sĩ Quản lý của Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhà văn là tác giả 27 cuốn sách thuộc nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, du ký với đề tài đa dạng về thiếu nhi, kinh dị, tình cảm: Trại hoa đỏ, Câu lạc bộ số 7, Chiếc gương đồng, Adam & Eva, Cocktail thị thành, Bình minh ở Sahara, Tôi PR cho PR. Phim Trại hoa đỏchuyển thể từ tiểu thuyết của cô do Victor Vũ đạo diễn, ra mắt năm 2022.
Hà Thu