Thông điệp răn đe của Mỹ khi phóng tên lửa tập kích Houthi
Mỹ và đồng minh phóng loạt tên lửa vào Houthi để răn đe nhóm vũ trang sau những cảnh báo bị phớt lờ, song đòn tập kích có thể là chưa đủ.
Ngày 11/1 đánh dấu sự leo thang đáng kể trong căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ, sau khi lực lượng Mỹ, Anh tung đòn tập kích bằng nhiều loại vũ khí, trong đó có tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu chiến, vào mục tiêu của nhóm vũ trang Houthi ở Yemen. Đây là đòn tấn công trực tiếp đầu tiên mà Mỹ tiến hành nhắm vào Houthi kể từ năm 2016.
Quyết định tập kích được các lãnh đạo Lầu Năm Góc đưa ra sau khi Houthi phớt lờ tối hậu thư của Mỹ và các đồng minh về chấm dứt các cuộc tấn công nhắm vào tàu hàng trên Biển Đỏ, một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất trên thế giới với 12% dòng chảy thương mại toàn cầu.
Trong nhiều tuần qua, lực lượng Houthi liên tục phóng tên lửa, máy bay không người lái nhắm vào tàu hàng qua Biển Đỏ, biến tuyến đường qua đây thành hành trình nguy hiểm. Họ đã tiến hành ít nhất 27 cuộc tấn công vào các tàu thương mại kể từ giữa tháng 11 năm ngoái, theo CENTCOM.
Mỹ và các thành viên trong liên minh 20 nước chủ yếu phản ứng bằng cách bắn hạ các UAV, tên lửa này. Từ ngày 16/12 đến 4/1, hải quân Mỹ thông báo đã hạ 61 tên lửa và UAV.
“Chiến thuật bắn hạ những gì nhắm vào tàu hàng là chưa đủ. Những người trong ngành vận tải biển đều muốn hành động quân sự quyết đoán hơn để phá hủy các địa điểm phóng và kho chứa tên lửa”, Peter Sand, nhà phân tích trưởng tại công ty cung cấp dữ liệu hàng hải Xetena ở Na Uy, nói.
Ngày 3/1, Mỹ cùng 12 nước ra tuyên bố chung cảnh báo Houthi về hậu quả nếu không ngừng tấn công tàu hàng tại vùng biển. Một tuần sau, Houthi tung đòn tấn công lớn chưa từng thấy, phóng 21 tên lửa, UAV tập kích tàu hàng ở Biển Đỏ, phớt lờ tối hậu thư từ chính quyền Tổng thống Joe Biden và các nước khác.
Đây được coi là lý do chính khiến Mỹ phải phát thông điệp răn đe mạnh hơn bằng đòn tấn công trực diện vào Houthi. Tổng thống Biden cho biết cuộc tập kích nhắm vào các mục tiêu mà Houthi đã sử dụng để tấn công tàu hàng. Ông mô tả hành động của Mỹ, Anh là phản ứng cần thiết để đối phó tình trạng bạo lực ảnh hưởng đến nhiều quốc gia.
“Những cuộc tấn công của Houthi đã gây nguy hiểm cho lính Mỹ, thủy thủ tàu hàng và đối tác của chúng tôi, đe dọa hoạt động thương mại và tự do hàng hải. Tôi sẽ không do dự yêu cầu thêm các biện pháp để bảo vệ người dân của chúng tôi và dòng chảy tự do thương mại quốc tế”, ông Biden nói.
Các quan chức cấp cao Mỹ cáo buộc Iran đã “hỗ trợ và tiếp tay” cho cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ, nói rằng Houthi sẽ không có khả năng đe dọa tuyến hàng hải nếu không có hậu thuẫn về công nghệ và thông tin tình báo của Tehran.
Nghị sĩ Dân chủ Elissa Slotkin, phó chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho biết số lượng và mức độ phức tạp trong hoạt động tấn công của Houthi cho thấy rõ rằng “chúng tôi cần tái lập khả năng răn đe”. Điều đó được thực hiện bằng cách “tấn công lại họ một cách chính xác và chúng tôi làm mọi thứ có thể để giảm thiểu thương vong cho dân thường”, theo bà Slotkin.
Kenneth Frank McKenzie, tướng Mỹ từng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) của Mỹ trước khi về hưu năm 2022, đầu tuần này cho rằng Washington phải gây ra “nỗi đau” cho Houthi để gây sức ép buộc nhóm dừng tấn công ở Biển Đỏ. “Điều đó có nghĩa bạn phải tấn công các mục tiêu quan trọng của Houthi ở Yemen”, ông nói.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích hoài nghi về hiệu quả răn đe mà cuộc tập kích tên lửa của Mỹ và đồng minh mang lại. Chỉ vài giờ sau đòn tấn công, thiếu tướng Abdul Salam Jahaf, thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Yemen do Houthi thành lập, tuyên bố nhóm này đã “đáp trả” nhắm vào Mỹ, Anh và Israel.
“Một trận chiến lớn đã bùng phát ở Biển Đỏ và chắc chắn một số chiến hạm Mỹ, Anh đã trúng đòn”, Jahaf nói, nhưng không nêu chi tiết. Mỹ không xác nhận tàu chiến nào của họ bị “trúng đòn” như lời quan chức Houthi.
Michael Knights, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Cận đông Washington, cho rằng phát biểu này chứng tỏ cuộc tập kích tầm xa của Mỹ và đồng minh không khiến Houthi “đau đớn” như kỳ vọng. Trái lại, nhóm vũ trang này lại thể hiện mình là bên “chiến thắng” khi có thể chống chịu cuộc tập kích của Mỹ bất kể nó nặng nề tới đâu và cho thấy họ có thể tiếp tục tung đòn đáp trả.
Các quan chức quốc phòng Mỹ và nguồn tin thân cận với Houthi cho biết nhóm này đã lường trước về đòn tập kích của phương Tây và đã chuyển một số vũ khí, thiết bị và tên lửa vào hầm ngầm ở thành phố đông dân cư Sanaa, giúp chúng không bị tên lửa Tomahawk phá hủy.
Nasr al-Din Amir, quan chức cấp cao Houthi, cũng tuyên bố rằng Mỹ và Anh “chắc chắn sẽ phải trả giá” sau vụ tập kích, đồng thời khẳng định nhóm này “không bao giờ dao động trong lập trường ủng hộ người Palestine dù bất kể giá nào”.
“Nhóm Houthi đánh giá cao những thành công của họ và không dễ bị răn đe. Họ đang tận hưởng niềm vui khi đối đầu với một siêu cường có lẽ không thể ngăn cản họ”, Knights nói.
Một số quan chức Mỹ cảnh báo Houthi có thể tiếp tục tấn công tàu hàng ngay sau cuộc tập kích của Mỹ và đồng minh để báo hiệu họ sẽ không bị ngăn cản và tiếp tục trở thành mối đe dọa cho hoạt động vận tải ở Biển Đỏ. Muhammad Al-Farah, quan chức cấp cao của Houthi, cho biết những cuộc tấn công vào tàu hàng và tàu quân sự có thể tiếp tục trong nhiều năm.
“Họ nổ phát súng đầu tiên và chúng tôi sẽ là những người định đoạt cục diện trận chiến”, tướng Jahaf nói. “Chúng tôi không phải những người sợ Mỹ”.
Behnam Ben Tabelu, nhà phân tích chuyên về vấn đề an ninh và chính trị Iran tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ ở Washington, cho rằng khi cuộc tập kích tầm xa không đạt được mục tiêu răn đe, Mỹ đối mặt lựa chọn tiến hành một chiến dịch quy mô lớn hơn ở Yemen.
Ông nói Houthi có sức mạnh vượt trội so với các nhóm khác mà Iran hỗ trợ như Hamas ở Gaza hay Hezbollah ở Lebanon, khi sở hữu kho vũ khí tinh vi do Tehran cung cấp, gồm cả tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng vươn tới miền nam Israel và nhiều loại UAV. “Mỹ có thể phải tiến hành chiến dịch kéo dài nhắm vào các cơ sở quân sự của Houthi nếu muốn kiềm chế nhóm này”, ông Tabelu nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, WSJ, NPR)