Mỹ ‘bức xúc’ vì báo Anh làm rò rỉ kế hoạch không kích Houthi
Quân đội Mỹ thể hiện bức xúc khi truyền thông Anh đưa tin về chiến dịch không kích Houthi trước khi hoạt động này diễn ra, theo nguồn giấu tên.
Tàu chiến và tiêm kích Mỹ, cùng biên đội chiến đấu cơ Typhoon của Anh, hôm 12/1 tập kích các khu vực do lực lượng Houthi kiểm soát ở Yemen, nhằm “trả đũa” những cuộc tấn công liên tiếp gần đây của nhóm vũ trang vào tàu hàng ở Biển Đỏ.
Tờ Telegraph sau đó dẫn nguồn tin giấu tên trong chính phủ tiết lộ quá trình lên kế hoạch tấn công, nói rằng Lầu Năm Góc đã “bày tỏ bức xúc” khi truyền thông Anh làm rò rỉ thông tin về chiến dịch này từ trước khi nó diễn ra.
Chiến dịch tập kích được tiến hành sau khi Houthi hôm 9/1 mở đợt tấn công lớn kỷ lục bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào tàu hàng cũng như chiến hạm Mỹ, Anh trên Biển Đỏ.
“Ngay sau khi đòn tấn công bị ngăn chặn, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã họp với nhóm cố vấn an ninh quốc gia và xem xét những lựa chọn phản ứng tập thể cùng các đối tác thân cận. Ông ấy đã lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin thực hiện cuộc tấn công”, nguồn tin cho hay.
Chính quyền Mỹ cũng liên lạc với các đồng minh, đề nghị họ tham gia tập kích hơn 60 địa điểm được xác định là những trận địa triển khai UAV và tên lửa đạn đạo, kho đạn và hệ thống radar do Houthi kiểm soát.
Chỉ có Anh sẵn sàng cử lực lượng trực tiếp tham gia không kích. Australia, Bahrain, Canada và Hà Lan, các thành viên trong liên minh Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng do Mỹ dẫn đầu, cử sĩ quan tham mưu để hỗ trợ về hậu cần và tình báo. Italy từ chối tham gia và khẳng định muốn theo đuổi “chính sách xoa dịu” tại khu vực.
Quốc hội Anh không được thông báo và phê duyệt tiến hành chiến dịch như truyền thống hơn 20 năm qua. Các quan chức nội các khẳng định đòn tấn công mang tính tự vệ và chỉ diễn ra một lần nên không đòi hỏi quốc hội thông qua, việc bỏ qua giai đoạn bỏ phiếu cũng khiến lực lượng Houthi có ít thời gian phản ứng hơn.
Căng thẳng bắt đầu xuất hiện vào tối 11/1, thời điểm chiến dịch không kích chuẩn bị diễn ra, khi tờ Times của Anh đưa tin nội các nước này được triệu tập để thảo luận về hành động quân sự.
“Giới chức Lầu Năm Góc đã thể hiện bực bội với đồng nghiệp Anh, bởi thông tin về những đòn tập kích thường chỉ được công bố sau khi chiến đấu cơ đã trở về căn cứ. Tình trạng lo âu cũng lan rộng trong nội các Anh, giữa lúc các quan chức tìm cách xác định thông tin rò rỉ như thế nào. Tâm lý chung khi đó là thất vọng sâu sắc”, quan chức giấu tên cho hay.
Tờ Wall Street Journal của Mỹ sau đó đăng bài viết dẫn lời “các lãnh đạo hàng hải ở Yemen” nói rằng Washington đã cảnh báo với giới chức nước này rằng đòn tập kích có thể diễn ra trong vòng vài giờ, thêm rằng mục tiêu bao gồm đài radar, kho vũ khí và bãi phóng UAV của Houthi.
Rò rỉ thông tin về chiến dịch không kích từ trước vài giờ có thể giúp Houthi sơ tán khí tài và lực lượng, hạn chế đáng kể hiệu quả của đòn tấn công.
Giới chức Mỹ chưa bình luận về thông tin.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps nói rằng ông không ghi nhận tình trạng bức xúc từ phía Mỹ do vụ rò rỉ, trong khi nhiều quan chức chính phủ Anh khẳng định việc này không tác động tới thời điểm và phương án tấn công.
Yahya Saree, quan chức Houthi, nói rằng Mỹ, Anh đã tung 73 đòn tập kích vào Yemen, khiến 5 thành viên lực lượng này thiệt mạng và 6 người bị thương. Phát ngôn viên Mohammed Abdulsalam của Houthi sau đó tuyên bố những trận không kích không ảnh hưởng đáng kể đến năng lực quân sự của họ, cũng như khả năng ngăn cản các tàu có liên hệ với Israel đi qua Biển Đỏ và Biển Arab.
Vũ Anh (Theo Telegraph, Reuters)