‘Chính sách tiền tệ thế kỷ 21’ – chiến lược ứng phó lạm phát của Mỹ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ triển khai nhiều kế hoạch ngăn sự sụp đổ hệ thống tài chính và kinh tế, theo “Chính sách tiền tệ thế kỷ 21”.
Theo Wall Street Journal, năm 2023, vấn đề tiền tệ ở Mỹ trở nên căng thẳng khi lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm. Giữa bối cảnh đó, Chính sách tiền tệ thế kỷ 21 – của tác giả Ben Bernanke – trở thành một trong những tác phẩm quan trọng để hiểu về nước Mỹ.
Ben Bernanke, 71 tuổi, là nhà kinh tế học người Mỹ. Bernanke từng giữ chức giáo sư, chủ nhiệm khoa Kinh tế Đại học Princeton từ năm 1996 đến tháng 9/ 2002. Từ 2006 đến 2014, ông là chủ tịch thứ 14 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Tác giả là đồng chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2022 – cùng Douglas Diamond và Philip H. Dybvig – cho nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính. Ngoài Chính sách tiền tệ thế kỷ 21, cuốn The Courage to Act (Dám hành động) của Bernake được dịch sang tiếng Việt, vào năm 2019.
* Trích đăng Chính sách tiền tệ thế kỷ 21
Sách điểm lại các dấu mốc trong việc phát triển chính sách tiền tệ của Mỹ trong 70 năm qua, giúp độc giả hiểu thêm thành tựu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Sách còn phân tích cách Fed đối mặt với việc khủng hoảng kinh tế và tiềm năng phát triển trong tương lai.
Sách gồm bốn phần, là các giai đoạn quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Trong phần đầu, Bernanke giới thiệu khái niệm sự tăng giảm lạm phát, bàn về các chiến lược ứng phó của Fed trước Đại Lạm Phát (thập niên 1960-1980) và giai đoạn bùng nổ 1990. Tiếp đến, tác giả điểm lại giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu trong những năm đầu thế kỷ 21 và Đại Suy thoái năm 2009, đặt vấn đề về thách thức của thiên niên kỷ mới.
Ở phần ba, chiến lược của Fed từ sau thời Bernanke (2014) đến Covid-19, gồm các chính sách nâng lãi suất, chính sách tiền tệ trung lập, nỗ lực đảm bảo tính độc lập của Fed và các biến động dưới thời Jay Powell và chiến lược ứng phó khủng hoảng trong thời kỳ đại dịch. Cuối cùng, Bernake đánh giá các công cụ Fed áp dụng cho chính sách tiền tệ, vị trí và vai trò của Fed trong việc ổn định tài chính.
Tác phẩm mang đến cái nhìn tổng quan về quá trình hoạch định chính sách của Fed, giúp thúc đẩy việc đổi mới nhiều kế hoạch kinh tế. Bernanke viết: “Như tôi thường nhận xét khi còn lãnh đạo Fed, chính sách tiền tệ không phải là thuốc chữa bách bệnh. Nhưng tiền thì quan trọng – rất quan trọng. Như phản ứng của Fed dưới thời Powell trước đại dịch đã minh họa, chính sách tiền tệ trong thế kỷ 21 – và hoạt động ngân hàng trung ương nói chung – được định hình bởi những đổi mới và thay đổi đáng chú ý”.
Ngoài việc giải thích các công cụ hoạch định chính sách mới của hệ thống ngân hàng trung ương, tác giả còn giới thiệu quyết định của các nhà lãnh đạo Fed, giúp tạo tác động đáng kể trong kinh tế. Ví dụ, trong khoảng thời gian đối phó với Covid-19, Fed triển khai một loạt công cụ chính sách đặc biệt giúp ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính và nền kinh tế Mỹ.
Trong đó, chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp cho các doanh nghiệp Mỹ vay trực tiếp, mua hàng nghìn tỷ USD chứng khoán chính phủ, bơm USD vào hệ thống tài chính quốc tế và xây dựng khuôn khổ chính sách tiền tệ nhấn mạnh vào việc tạo việc làm.
Bernanke cho rằng Fed thường được xem là cơ quan độc lập ở Mỹ. Tuy nhiên, không có nghĩa là Fed hoàn toàn tự chủ, không chịu trách nhiệm giải trình, hoặc tách biệt khỏi chính trị. Trái lại, Fed là sản phẩm của hệ thống chính trị. Sự tồn tại của Fed được quy định bởi đạo luật Dự trữ Liên bang, vì thế Quốc hội Mỹ có thể điều chỉnh cơ quan này bất kỳ lúc nào.
Tác giả còn chỉ ra một số thách thức mà Fed phải đối mặt, gồm: Lạm phát quay lại, tiền điện tử, rủi ro bất ổn tài chính gia tăng và các mối đe dọa khác. Theo Bernanke, vai trò của Fed trong việc ổn định nền kinh tế và hệ thống tài chính đặt ra câu hỏi: Liệu cơ quan này có thể hỗ trợ giải quyết những vấn đề cấp bách không? Điển hình, biến đổi khí hậu làm thay đổi kinh tế và môi trường sống của người dân. Ở lĩnh vực khác, khủng hoảng do đại dịch làm trầm trọng hơn những rạn nứt trong xã hội Mỹ.
Trong khi đó, tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, sự chênh lệch trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe, giáo dục, cơ hội kinh tế xảy ra ở nhiều tiểu bang. Người da màu, người gốc Tây Ban Nha và các nhóm thiểu số khác chịu những bất lợi lớn nhất.
Sách nhận nhiều lời khen từ giới chuyên môn. Trang Kirkus đánh giá tác phẩm chứa đựng kiến thức quý báu cho các nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu kinh tế. “Độc giả có thể rút ra nhiều bài học về cách lãnh đạo trong tình huống khó khăn, về các lựa chọn mà những người chèo lái tổ chức phải đưa ra trong bối cảnh không thể đoán trước”, trang này viết.
Financial Times nhận xét tác giả lập luận chặt chẽ về ý tưởng đằng sau chính sách của các ngân hàng trung ương Mỹ. Publishers Weekly viết: “Tác phẩm tràn ngập những tình tiết kịch tính và tư duy rõ ràng, là một trong những cuốn sách hay nhất về quá khứ đầy biến động của Fed”.
Chính sách tiền tệ thế kỷ 21 (tên tiếng Anh: 21st Century Monetary Policy: The Federal Reserve from the Great Inflation to COVID-19) xuất bản lần đầu tháng 5/2022. Tác phẩm được nhiều nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu kinh tế đón nhận.
Trong lời giới thiệu, tiến sĩ Vũ Hoàng Linh – Giảng viên chương trình Swinburne Việt Nam, Đại học FPT, nhận định sách giới thiệu chi tiết chính sách tiền tệ của Mỹ kể từ thập niên 1960 đến nay, do tác giả là nhà nghiên cứu về lịch sử kinh tế Mỹ, đồng thời chịu trách nhiệm với các chính sách tiền tệ ở Mỹ trong giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế của nước này từ sau Thế chiến II.
“Giữa bối cảnh hệ thống tài chính của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, những bài học kinh nghiệm phòng chống và xử lý khủng hoảng tài chính ở Mỹ lại càng hết sức quan trọng”, Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh nói.
Quế Chi