Brunei – nơi người dân được hưởng giáo dục và y tế miễn phí
Là một trong những nước giàu có nhất thế giới nhờ trữ lượng dầu mỏ dồi dào, Brunei nổi tiếng với chế độ phúc lợi xã hội cho công dân.
Đám cưới kéo dài 10 ngày của Hoàng tử Abdul Mateen và cô dâu Anisha Roshah đang khiến sự chú ý quốc tế đổ dồn về Brunei. Ngày 14/1, quốc gia này đón các quan khách trên khắp thế giới đến dự tiệc cưới. Một lễ diễu hành cũng sẽ diễn ra tại thủ đô Bandar Seri Begawan, dự kiến thu hút hàng nghìn người chiêm ngưỡng.
Brunei là quốc gia Hồi giáo diện tích hơn 5.700 km2 nằm ở rìa phía bắc đảo Borneo, cạnh Malaysia, theo chế độ quân chủ chuyên chế. Vua Hassanal Bolkiah của Brunei là một trong những quốc vương tại vị lâu nhất thế giới và từng xếp thứ nhất trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Lịch sử của vương quốc ven biển trải dài hàng thế kỷ. Thời kỳ đỉnh cao của vương quốc là thế kỷ 15, khi họ kiểm soát những vùng đất rộng lớn ở Borneo. Vương quốc Brunei suy giảm sức mạnh khi các cường quốc châu Âu mở rộng thuộc địa ở châu Á và vào năm 1888, đất nước nằm dưới sự bảo hộ của Anh.
Brunei giành độc lập từ Anh năm 1984 và kinh tế phát triển nhanh nhờ trữ lượng dầu khí khổng lồ.
GDP bình quân đầu người của Brunei thuộc hàng cao nhất thế giới. Chính phủ và các tổ chức liên quan chính phủ là những đơn vị chính cung cấp việc làm. Hơn 450.000 công dân Brunei hưởng mức sống tương đối cao vì không phải đóng thuế và nhận được phúc lợi xã hội hào phóng.
“Bệ hạ rất chú trọng chăm nom thần dân”, Mohammed, hướng dẫn viên du lịch người Brunei, hồi tháng 12/2023 cho biết. Người dân được hưởng phúc lợi như miễn thuế thu nhập cá nhân, y tế và giáo dục miễn phí, được hưởng trợ cấp nhà ở, sử dụng xăng dầu loại tốt giá rẻ và cơ sở hạ tầng phát triển.
Brunei áp dụng mức thuế doanh nghiệp thấp 18,5%, không thu thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng cũng như thuế khấu trừ tại nguồn đối với cổ tức, tiền lãi, tiền bản quyền và phí kỹ thuật của các công ty đặt trụ sở tại đây. Người sử dụng lao động ở Brunei phải đóng góp 5% tiền lương của nhân viên vào Quỹ Tín thác Nhân viên. Các công ty dầu khí Brunei chịu mức thuế thu nhập đặc biệt là 55%.
Người dân Brunei được khám chữa tại các bệnh viện và trung tâm y tế với mức phí tượng trưng 1 đô Brunei, trẻ dưới 12 tuổi được miễn phí hoàn toàn. Chính phủ còn chi trả chi phí đưa công dân ra nước ngoài để tiếp cận các phương pháp điều trị và cơ sở vật chất không có sẵn trong nước.
Học sinh Brunei từ 5 đến 18 tuổi được học miễn phí tại trường công. Các chi phí khác như sách giáo khoa, dụng cụ học tập, ăn uống ở trường cũng do chính phủ chi trả. Mặc dù tiếng Mã Lai là ngôn ngữ chính thức của Brunei, tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy chính ở hầu hết các trường.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ khiến Brunei dễ bị ảnh hưởng trước biến động giá dầu, căng thẳng địa chính trị và gián đoạn sản xuất. Brunei rơi vào suy thoái năm 2021 và 2022, sau khi sản xuất trong nước suy giảm vì bảo trì giếng dầu cũ.
Chính phủ Brunei cho hay có kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế nhưng các nhà phân tích cho biết tới nay, chưa có ngành công nghiệp nào khác phát triển ở Brunei. Một số nghiên cứu ước tính trữ lượng dầu mỏ của Brunei có thể cạn kiệt vào năm 2050.
Quốc vương Brunei là một trong những người giàu nhất thế giới với khối tài sản ròng 30 tỷ USD. Ông sở hữu bộ sưu tập xe hơi hơn 7.000 chiếc và ở trong cung điện 1.788 phòng. Ông có 7 con gái và 5 con trai.
Brunei là quốc gia đầu tiên ở Đông và Đông Nam Á ban hành luật Hồi giáo Sharia trên toàn quốc vào năm 2019 sau nhiều năm trì hoãn. Luật cho phép ném đá tới chết người ngoại tình hoặc quan hệ tình dục đồng giới, cắt cụt tay chân người trộm cắp.
Tuy nhiên, chưa hình phạt nào được thực thi sau khi cộng đồng quốc tế phản ứng dữ dội. Các nhà phân tích cho rằng bộ luật chỉ mang tính biểu tượng để nhấn mạnh giá trị Hồi giáo truyền thống.
Nhiều người dân Brunei ủng hộ luật Sharia. “Tôi không bận tâm”, một phụ nữ cho biết hôm 10/1. “Tới nay chưa ai bị ném đá, cũng chưa ai bị chặt tay. Chúng tôi không sống trong sợ hãi ở Brunei”.
Hồng Hạnh (Theo AFP/Indialink)