Xe tăng nguy cơ biến mất trên chiến trường Ukraine
Cả quân đội Nga và Ukraine đều có thể cạn xe tăng trong 2-3 năm tới nếu tiếp tục chịu tổn thất như hiện nay, theo chuyên gia phương Tây.
Theo các nhà phân tích quân sự độc lập phương Tây, khi phát động chiến dịch ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Nga huy động 2.987 xe tăng và khoảng 4.000 xe thiết giáp. Sau gần hai năm giao tranh, Nga đã mất ít nhất 2.619 xe tăng và nửa số thiết giáp ban đầu.
Trong số tổn thất xe tăng của Nga có khoảng 1.700 chiếc bị phá hủy, 145 chiếc hư hại, hơn 200 xe bị bỏ lại và 544 chiếc bị lực lượng Ukraine thu được.
Biên tập viên David Axe của Forbes cho rằng nếu không có lựa chọn bù đắp cho tổn thất trong chiến sự, quân đội Nga sẽ chỉ còn 368 xe tăng, quá ít để tiến hành các chiến dịch tiến công quy mô lớn có ý nghĩa.
Trong khi Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung từ phương Tây, quân đội Nga có nguồn xe tăng thay thế đến từ nhà máy Uralvagonzavod, nơi đang chế tạo xe tăng T-90M mới, cùng 4 cơ sở chuyên sửa chữa và hiện đại hóa xe tăng đang niêm cất trong kho.
Giới chuyên gia phương Tây thừa nhận chưa thể ước tính được công suất chế tạo, sửa chữa hoặc hiện đại hóa xe tăng của Uralvagonzavod và các cơ sở khác.
Nga thông báo đã nhận được 1.500 xe tăng mới và phương tiện được hiện đại hóa sau cuộc cải tổ sâu rộng ngành công nghiệp quốc phòng, giúp nâng sản lượng lên ba lần trong năm 2023.
Với lượng xe tăng tổn thất và số được bù đắp, số xe tăng sẵn sàng chiến đấu của Nga hiện nay có thể là 2.400 chiếc, được đánh giá là đủ đáp ứng nhu cầu nếu họ không mở các đợt đột kích chớp nhoáng bằng tăng thiết giáp vào hậu phương Ukraine. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga thành lập thêm nhiều đơn vị mới để phục vụ chiến sự ở Ukraine, số lượng xe tăng này sẽ không đủ để trang bị cho các sư đoàn, lữ đoàn như trước đây.
Vấn đề là nền công nghiệp quốc phòng Nga có thể không đủ khả năng sản xuất được lượng lớn xe tăng như Điện Kremlin thông báo, theo nhóm phân tích tình báo nguồn mở ARI ở Pháp.
Theo đánh giá của ARI, ngành công nghiệp quốc phòng Nga chỉ cho ra lò khoảng 390 xe tăng mỗi năm, điều này đồng nghĩa họ chỉ bổ sung, phục hồi được 780 chiếc trong hai năm chiến sự. Trong trường hợp này, lực lượng xe tăng mà Nga hiện có chỉ khoảng 1.180 chiếc.
Điều tồi tệ hơn là các đòn tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tự sát của Ukraine đang khiến Nga mất nhiều xe tăng hơn khả năng bù đắp của họ, ngay cả khi ngành công nghiệp quốc phòng hoạt động hết công suất. Trong tình cảnh đó, Nga có thể cạn kiệt xe tăng trong 2-3 năm tới, nếu chiến sự tiếp tục kéo dài.
Michael Kofman, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Carnegie Endowment có trụ sở tại Mỹ, nhận định rằng tình trạng thiếu hụt phương tiện chiến đấu hạng nặng của Nga còn diễn ra với xe chiến đấu bộ binh.
Mức tổn thất hiện nay đồng nghĩa Nga mất khoảng 1.000 thiết giáp BMP các loại mỗi năm. Để bù đắp, nhà máy Kurganmashzavod ở miền nam Nga có thể xuất xưởng tối đa 400 chiếc BMP-3 mới trong một năm. Số còn lại được rút từ các kho niêm cất của Nga.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nhiều thiết giáp trong kho niêm cất Nga không đảm bảo điều kiện tác chiến. Phân tích gần đây dựa trên ảnh vệ tinh cho thấy trong số 3.000 thiết giáp được niêm cất tại kho bãi ngoài trời của Nga, hơn 700 chiếc trong tình trạng hư hại đến mức không thể sửa chữa.
Nếu nhà máy Kurganmashzavod không thể tăng đáng kể sản lượng, Nga sẽ cạn kiệt thiết giáp trong kho dự trữ vào năm 2026, thậm chí sớm hơn với mức độ tổn thất như hiện nay. Theo nhà phân tích Andrew Perpetua, lực lượng Nga gần đây mất ít nhất 300 thiết giáp BMP mỗi tháng.
Ukraine cũng đối mặt với nguy cơ thiếu hụt xe tăng nếu chiến sự với Nga kéo dài. Phương Tây đã viện trợ cho Ukraine khoảng 300 xe tăng chuẩn NATO, khoảng 2/3 trong số này là mẫu Leopard 1 được thiết kế từ gần 70 năm trước.
Số xe tăng phương Tây viện trợ không đủ để trang bị cho các lữ đoàn Ukraine, vốn cần 1.200-1.000 chiếc. Do đó, quân đội Ukraine buộc phải phụ thuộc vào T-64, mẫu xe tăng được Liên Xô thiết kế vào những năm 1950-1960.
Khi chiến sự bùng phát, quân đội Ukraine vận hành khoảng 800 xe tăng T-64 và niêm cất khoảng 450 chiếc. Giới quan sát ước tính nước này biên chế hơn 2.500 xe thiết giáp các loại.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tháng trước cho biết Ukraine đã mất 14.000 xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, thiết giáp chở quân và các phương tiện khác kể từ khi chiến sự bùng phát. Trong số đó, khoảng 400 xe tăng T-64 Ukraine đã bị Nga phá hủy hoặc tịch thu
Giới chuyên gia phương Tây nhận định dù tỷ lệ tổn thất T-64 của Ukraine ở mức 200 chiếc mỗi năm, nước này sẽ cạn mẫu xe tăng này sau khoảng 4 năm nữa.
Trong khi đó, nhà máy Malyshev, đơn vị sản xuất xe tăng T-64, rất khó chế tạo mới được mẫu phương tiện chiến đấu này dù có thể còn dụng cụ và máy móc liên quan. Cơ sở này trong 37 năm qua không xuất xưởng thêm bất cứ chiếc T-64 mới nào.
Trước tổn thất của cả xe tăng Nga và Ukraine trên chiến trường, một số chuyên gia cho rằng loại khí tài nặng nề, cồng kềnh này đã trở nên lỗi thời trước mối đe dọa ngày càng tăng từ các công nghệ chiến tranh mới như máy bay không người lái tự sát, đạn tuần kích vốn có khả năng khai thác những điểm yếu nhất trên xe tăng.
Tuy nhiên, phần lớn nhà phân tích quân sự đều đánh giá xe tăng vẫn là công cụ cần thiết để tạo ra những bước đột phá chiến lược và phá thế bế tắc trên chiến trường, khi được sử dụng hợp lý và có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ binh cùng tác chiến điện tử.
Tư lệnh lục quân Mỹ James McConnville từng đánh giá “Bạn sẽ không cần xe tăng nếu bạn không muốn thắng”. Trong bài viết trên website của lục quân Mỹ, chuyên gia Robert Cameron cho rằng cả Nga và Ukraine đều hiểu rất rõ triết lý này.
Nguyễn Tiến (Theo Forbes, AFP, Reuters)