Ukraine muốn Mỹ chuyển giao cường kích A-10
Quan chức Ukraine nói Kiev cần thêm chiến đấu cơ, gồm cường kích A-10 và máy bay có thể khai hỏa tên lửa tầm xa để đối phó Nga.
“Cường kích A-10 là một trong những khí tài mà chúng tôi muốn được chuyển giao. Đây không phải là mẫu máy bay chiến đấu mới, song đã chứng minh được độ tin cậy qua nhiều cuộc chiến. Nó được trang nhiều loại vũ khí để tiêu diệt mục tiêu mặt đất và hỗ trợ bộ binh”, tư lệnh lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 12/1.
Cường kích A-10 Thunderbolt II được Mỹ phát triển đầu thập niên 1970, đưa vào biên chế năm 1977 và vẫn hoạt động tới ngày nay. Mỗi chiếc có giá 19 triệu USD vào thời điểm ra mắt, tương đương hơn 46 triệu USD hiện nay.
Vũ khí chính của A-10 là pháo 7 nòng GAU-8/A Avenger cỡ 30 mm, có tốc độ bắn tới 3.900 phát/phút và tầm bắn hiệu quả 1.200 m để yểm trợ hỏa lực tầm gần trên chiến trường, chuyên diệt các mục tiêu như xe tăng, thiết giáp, phương tiện cơ giới và bộ binh địch. Mỗi chiếc A-10 mang được tối đa hơn 7 tấn bom, rocket và tên lửa các loại.
Phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ignat tháng 9 năm ngoái từng tuyên bố Kiev không cần cường kích A-10, mà muốn được chuyển giao các mẫu tiêm kích đa nhiệm như F-16 để đẩy lùi không quân Nga.
“Cường kích A-10 có thể làm được gì? Phòng không Nga sẽ tiêu diệt chúng một cách dễ dàng. Điều mà chúng tôi cần là giành lợi thế ở trên không”, ông Ignat khi đó nói.
Tuy nhiên, tư lệnh Syrskyi cho rằng cường kích A-10 sẽ cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho bộ binh Ukraine để có thể giành thế chủ động trước đối thủ có nguồn lực tốt như Nga.
“Nó sẽ được dùng để tiêu diệt các mục tiêu như xe tăng, pháo binh. Đây là những khí tài chuyên khắc chế bộ binh”, ông cho hay, thêm rằng các mẫu trực thăng tấn công do Mỹ sản xuất như AH-64 Apache, AH-1 Super Cobra và UH-60 Black Hawk cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trên chiến trường.
Bộ Quốc phòng Mỹ chưa phản hồi về bình luận của ông Syrskyi. Nước này tháng 8 năm ngoái đã “bật đèn xanh” để một số nước chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine, song tới nay Kiev vẫn chưa tiếp nhận chiếc nào.
Bộ Quốc phòng Đan Mạch hôm 6/1 thông báo lùi thời gian chuyển lô đầu tiên trong số 19 chiếc F-16 đã cam kết cho Ukraine sang quý II, thay vì đầu năm nay như kế hoạch ban đầu.
Hà Lan, nước sở hữu 42 chiếc F-16, đang đào tạo phi công Ukraine nhưng chưa công bố thời gian bàn giao tiêm kích. Bỉ tháng 10/2023 cũng tuyên bố sẽ chuyển F-16 cho Ukraine vào năm 2025, song không nêu số lượng.
Quân đội Ukraine phát động chiến dịch phản công quy mô lớn theo hướng đông và hướng nam vào tháng 6 năm ngoái, song không đạt được đột phá lớn do vấp phải phòng tuyến kiên cố được gài mìn dày đặc của đối phương.
Lực lượng Nga đang tiến hành phản công ngược trên một số hướng, tái chiếm nhiều cứ điểm chiến lược mà Ukraine từng kiểm soát trong đợt phản công mùa hè.
Theo ông Syrskyi, quân đội Ukraine trên một số mặt trận đang thực hiện chiến lược “phòng thủ chủ động” để đối phó các cuộc tấn công của lực lượng Nga.
“Chúng tôi không chỉ chăm chăm phòng thủ mà liên tục tiến hành các cuộc phản công. Ở một số hướng chúng tôi còn chuyển sang tấn công”, quan chức Ukraine cho biết.
Ông Syrskyi cũng cho rằng Ukraine thời gian tới vẫn có khả năng đạt được đột phá, do Nga không thể xây dựng phòng tuyến kiên cố ở khắp mọi nơi và sẽ luôn có điểm yếu để quân đội Ukraine có thể tận dụng.
“Tôi nghĩ rằng cơ hội vẫn còn. Chúng tôi chỉ cần tìm kiếm và tận dụng chúng hiệu quả”, tư lệnh lục quân Ukraine nhấn mạnh.
Phạm Giang (Theo Reuters, RBC Ukraine)