Ông Zelensky: Ukraine đánh chặn 70% đòn tấn công của Nga
Tổng thống Ukraine cho biết nước này bắn hạ 70% tên lửa, UAV trong các cuộc tập kích gần đây của Nga, song Kiev cần thêm hệ thống phòng không.
“Trong những ngày gần đây, Nga đã phóng tổng cộng 500 thiết bị nhằm vào lãnh thổ Ukraine. Chúng tôi phá hủy 70% số đó”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Litva Gitanas Nauseda ở Vilnius ngày 10/1, trong chuyến thăm quốc gia này.
Theo ông Zelensky, Ukraine đã hứng chịu nhiều thương vong sau các cuộc tập kích của Nga và cần được chuyển giao thêm hệ thống phòng không để đối phó các cuộc tấn công sắp tới. “Tổ hợp phòng không là thứ chúng tôi cần nhất”, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Nga gần đây tăng cường tập kích quy mô lớn lãnh thổ Ukraine bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV), lớn nhất là hai cuộc tấn công vào ngày 29/12 năm ngoái và hôm 2/1, khiến hàng chục người thiệt mạng. Moskva tuyên bố chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự, song Kiev cáo buộc đòn tập kích của đối phương đã phá hủy các công trình dân sự như trường học, nhà trẻ.
Ông Zelensky cũng cảnh báo xung đột sẽ không chỉ dừng lại ở Ukraine, mà có thể lan sang các nước khác trong khu vực nếu Kiev không được hỗ trợ để chống lại Nga. “Litva, Latvia, Estonia và Moldova có thể sẽ là các nước tiếp theo”, ông nói.
Tổng thống Nauseda cam kết sẽ ủng hộ Ukraine cho đến khi nước này “giành chiến thắng”. Ông cho biết Litva sẽ chuyển giao cho Kiev nhiều xe bọc thép chở quân M577 cùng đạn dược vào tháng tới, một phần của gói viện trợ trị giá 200 triệu euro mỗi năm mà nước này công bố trước đó.
Litva là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu năm mới của Tổng thống Zelensky, nhằm mục đích kêu gọi thêm viện trợ cho Kiev. Sau khi rời Litva, ông Zelensky dự kiến tiếp tục tới thăm hai nước Baltic khác là Latvia và Estonia, song chưa công bố thời gian cụ thể.
Xét theo tỷ trọng GDP, Litva là quốc gia hỗ trợ tài chính lớn nhất cho Ukraine trong năm 2023, với tỷ lệ 1,4%. Latvia và Estonia đứng thứ hai và thứ 5, lần lượt ở mức 1,3% và 1,1%.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas ngày 10/1 tuyên bố nước này sẵn sàng hỗ trợ Ukraine “đến khi nào Kiev còn cần”. Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna cho biết Tallinn sẽ phân bổ 0,25% GDP để cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine trong 4 năm tới. “Hỗ trợ Ukraine ngay bây giờ rẻ hơn nhiều so với cái giá mà cộng đồng quốc tế sẽ phải trả nếu Nga đạt được mục đích trong cuộc xung đột”, ông Tsahkna nhận định.
Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Spruds tuần trước cam kết nước này sẽ tiếp tục cung cấp khí tài và huấn luyện binh sĩ Ukraine trong năm 2024. Riga đã đào tạo khoảng 3.000 binh sĩ cho Kiev trong năm ngoái, theo Bộ Quốc phòng Litva.
Cơ quan theo dõi viện trợ cho Ukraine thuộc Viện Kiel ở Đức tháng 12 năm ngoái công bố nghiên cứu cho thấy cam kết viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo mới cho Ukraine tháng 8-10 năm 2023 đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, cho thấy “động lực viện trợ của phương Tây cho Kiev đang sụt giảm”, báo cáo nhận định.
Liên minh châu Âu (EU) hiện chưa thể thông qua gói viện trợ mới trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine do bị Hungary phủ quyết, trong khi quốc hội Mỹ cũng chưa phê duyệt gói viện trợ 61 tỷ USD cho Kiev vì bị phe Cộng hòa phản đối.
NATO ngày 10/1 cho biết các nước thành viên dự kiến tiếp tục viện trợ hàng tỷ euro cho Ukraine trong năm 2024 để Kiev nâng cao năng lực phòng không, song chưa công bố kế hoạch cụ thể.
Phạm Giang (Theo AFP)