Khám nghĩa vụ quân sự rớt, năm sau có phải khám lại không?
Tôi vừa khám nghĩa vụ quân sự thì không đủ điều kiện về sức khỏe. Tôi đang có kế hoạch dài hơi cho công việc, phụ thuộc khá nhiều vào việc có hay không đi nghĩa vụ.
Tôi 23 tuổi, đã đi làm ở công ty về lập trình phần mềm. Tạng người tôi nhỏ con, ốm yếu, bị cận nặng. Với thể trạng như vậy, năm sau tôi có cần phải đi khám nghĩa vụ quân sự lại không?
Độc giả Thành Công
Luật sư tư vấn
Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ như sau: Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Mặt khác, vào ngày 10/12/2020, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang về việc khám sức khỏe cho thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự đối với người không đủ tiêu chuẩn như sau:
Việc đánh giá phân loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự trong tuyển quân hằng năm được tiến hành theo hai bước “sơ tuyển tại cấp xã, khám tuyển tại cấp huyện” theo quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Nghị định số 13/2016/NĐ-CP, Thông tư số 148/2018/TT-BQP, Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP. Theo đó, Hội đồng Khám sức khỏe cấp huyện tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Hội đồng nghĩa vụ quân sự cùng cấp về kết quả khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự hằng năm.
Quy trình, nội dung, các bước sơ tuyển, khám tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư số 16/2016/TTLT-BYT-BQP. Theo đó, để đánh giá, phân loại chính xác sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, công dân phải được khám qua các phòng khám chuyên khoa, có nội dung phải khám cận lâm sàng để bảo đảm đánh giá chính xác.
Việc đánh giá, kết luận phân loại sức khỏe của cá nhân phải qua đầy đủ các bước theo quy trình khám tuyển; kết quả phân loại có thể thay đổi theo thời gian từng năm (phiếu sức khỏe có giá trị không quá 6 tháng, quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 11 Thông tư 16/2016/TTLT-BYT-BQP). Mặt khác, tuổi thanh niên đang phát triển; vì vậy, sức khỏe và thể lực thay đổi theo từng năm đến ngoài 20 tuổi.
Thực tế, một số công dân trong thời điểm khám tuyển mắc bệnh lý cấp tính, không trúng tuyển, nhưng có thể khỏi bệnh hoàn toàn sau khi điều trị và lần sau khám có thể trúng tuyển; nhưng có công dân do mắc bệnh tật bẩm sinh, chỉ qua một lần khám tuyển, Hội đồng khám sức khỏe có thể kết luận không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ và không gọi khám các năm tiếp theo.
Như vậy, căn cứ từng trường hợp cụ thể, Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự đánh giá, báo cáo Hội đồng nghĩa vụ quân sự xem xét, đề xuất gọi hay không gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự những năm tiếp theo là phù hợp. Tuy nhiên, để công tác khám tuyển bảo đảm chính xác, chặt chẽ, công bằng, tránh tiêu cực.
Hằng năm, Bộ Quốc phòng giao cơ quan chức năng chỉ đạo, hướng dẫn địa phương làm tốt công tác phối hợp trong khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự; quá trình sơ tuyển, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật; làm tốt công tác đăng ký, thống kê theo dõi, đối chiếu, rà soát hằng năm, trong đó có danh sách công dân không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, lý do không đủ sức khỏe của năm trước, nắm tiền sử gia đình công dân; thực hiện cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong khám tuyển; hạn chế ảnh hưởng đến thời gian và công việc của công dân; đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế làm công tác khám tuyển để công tác khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự tại các địa phương bảo đảm đúng quy định, chất lượng, hiệu quả hơn.
Như vậy, việc gọi đi khám nghĩa vụ sẽ được thực hiện cho đến khi công dân hết tuổi gọi nhập ngũ (hết 25 tuổi hoặc hết 27 tuổi đối với người học cao đẳng, đại học). Vì bạn mới 23 tuổi, nên vẫn có thể được gọi khám nghĩa vụ quân sự vào năm sau.
Luật sư Võ Đan Mạch
Công ty Luật TNHH MTV TA PHA