Day dứt của cô gái Thái Lan trong trại giam
Nếu không có sai lầm của tuổi trẻ, nữ sinh năm cuối Preeyanooch đã trở thành kỹ sư thay vì chôn vùi cuộc đời trong trại giam Thủ Đức.
Buổi sáng một ngày cuối năm, Preeyanooch Phuttharaksa, 34 tuổi, cặm cụi nhặt bỏ từng cành lá úa trên những luống hoa ngọc hân tím ở cổng Phân trại số 1, Trại giam Thủ Đức (Cục C10, Bộ Công an) đóng tại tỉnh Bình Thuận. Đây là một trong những buổi lao động dành cho phạm nhân ở trại giam lớn nhất nước.
Làn da bánh mật với sống mũi cao, Preeyanooch trông thông minh, tươi tắn, nói bằng tiếng Việt lơ lớ: “Tôi ở đây 10 năm rồi, mọi thứ đã quen, đôi khi cảm giác như nhà mình. Nhưng thú thật, suốt thời gian qua tôi luôn day dứt, hối hận vì sai lầm đã thay đổi hẳn cuộc đời mình”.
Preeyanooch được sinh ra trong gia đình khá giả ở quận Bang Khen, thủ đô Bangkok, có bố là sĩ quan quân đội, còn mẹ kinh doanh. Từ nhỏ cô được gọi là Bow, dịch từ tiếng Anh là một chiếc nơ, còn tên Preeyanooch có nghĩa giỏi giang, thông minh.
Khi kết thúc trung học, nữ sinh 18 tuổi vào Đại học Sripratum – ngôi trường tư thục danh tiếng bậc nhất Thái Lan, đúng với kỳ vọng của gia đình. Với sở thích vẽ, cô theo học kỹ sư với chuyên ngành thiết kế nội thất. Mọi thứ cứ diễn ra suôn sẻ, bình yên cho đến khi nữ sinh bước vào năm cuối đại học.
Hai lần bị tuyên án tử hình
Preeyanooch kể, khi đó đã kết bạn với một người phụ nữ đang mang thai 2-3 tháng qua mạng xã hội. Qua nhiều lần nói chuyện, nhận ra có cùng sở thích du lịch nên cả hai đã cùng đến Việt Nam chơi. Trước đó, Preeyanooch đã đi qua hầu hết các nước ở Đông Nam Á.
Tháng 3/2011, hai người lần đầu đến Hà Nội du lịch nhiều ngày. Nửa năm sau, Preeyanooch nhận lời người phụ nữ này “xách hộ valy” cho chồng cô ta ở châu Phi về TP HCM.
Hành trình bắt đầu ở Thái Lan đến quốc gia đầu tiên là Togo sau đó bay về Benin. Tại đây, cô nhận một valy từ một người phụ nữ lạ mặt, theo hướng dẫn, và 1.000 USD tiền công rồi tiếp tục qua Maroc, Qatar trước khi đến điểm cuối cùng để giao valy là Việt Nam.
Buổi sáng định mệnh ngày 29/10/2011 đã thay đổi cuộc đời Preeyanooch khi đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Qua soi chiếu, lực lượng hải quan phát hiện 3 kg ma túy giấu trong ngăn vải sau lớp quần áo. Preeyanooch bị cảnh sát bắt tạm giam.
Thời điểm đó, Preeyanooch đã sụp đổ khi nghe người phiên dịch cho biết cô đã vận chuyển trái phép lượng ma túy rất lớn. “Lẽ ra tôi nên suy nghĩ chính chắn, không bất chấp xách valy có chất cấm như vậy”, Preeyanooch nói. Những ngày đầu bị tạm giam ở trại giam T17 (huyện Củ Chi, TP HCM), nữ sinh người Thái bị sốc khi không thể giao tiếp, ăn uống.
“Tuyệt vọng giữa bốn bức tường trong nhà lao, có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện tự vẫn”, Preeyanooch kể.
Sau gần một năm rưỡi bị tạm giam, Preeyanooch dần quen, chấp nhận sự thật. Quá trình điều tra, nhà chức trách xác định, trước đó cô đã 2 lần vận chuyển trót lọt valy có chứa ma túy từ Malaysia đến Hà Nội.
Tháng 6/2012, cô bị TAND TP HCM tuyên án tử hình về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy. HĐXX nhận định hành vi của cô là đặc biệt nguy hiểm, đã tham gia vào đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia do nhóm tội phạm gốc Phi chủ mưu thực hiện. Đường dây này đã dùng thủ đoạn rủ rê, lôi kéo các cô gái, nữ sinh người châu Á tham gia vận chuyển ma túy bằng đường hàng không.
Khát khao được sống, cô kháng cáo, song tiếp tục bị tòa phúc thẩm tuyên y án.
‘Như được sinh ra lần nữa’ khi Chủ tịch nước ân xá
Từ một sinh viên năm cuối với định hướng khi ra trường sẽ đi du học, sau đó làm kỹ sư thiết kế nội thất, Preeyanooch không nghĩ rằng có ngày thành tử tù. Được cán bộ công an hướng dẫn, cô làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá.
Khoảng thời gian chờ đợi, Preeyanooch sợ hãi không thể ăn, chỉ uống nước để duy trì sự sống. Preeyanooch chưa nghĩ đến việc phải chết ở một nơi xa quê hương, không ai biết đến. “Giữa lúc tuyệt vọng nhất, tôi được trại giam thông báo đã được Chủ tịch nước tha tội chết. Đó là ngày vui nhất cuộc đời, tôi như được sinh ra một lần nữa”, Preeyanooch cho biết.
Quyết định ân xá ấy cũng giúp Preeyanooch thay đổi cách suy nghĩ. Từ một người chỉ nghĩ đến cái chết cận kề, cô chủ động thích nghi với đồ ăn, lối sinh hoạt, học tiếng Việt. Hàng ngày, nữ sinh người Thái nhờ bạn tù đọc báo, xem tivi để tạo thói quen nghe, sau đó lặp lại nhiều lần. Lúc lao động, những đồ vật không biết, cô hỏi “đây là gì?” để phạm nhân khác chỉ cách phát âm.
Sau hơn một năm, Preeyanooch đã hoàn thành lớp “xóa mù chữ” của trại giam. Cô cũng quen dần với nếp sống kỷ luật: 6h15 thức dậy để lao động, trồng cây, làm vườn.. đến 10h30 ăn cơm, ngủ trưa, nghỉ ngơi trước khi tiếp tục làm việc đến 16h để sinh hoạt cá nhân, dùng bữa tối.
Đại úy Đoàn Ngọc Đỗ Quyên, quản giáo Phân trại số 1 Trại giam Thủ Đức, cho biết quá trình cải tạo Preeyanooch luôn chấp hành tốt các quy định của trại giam. Cô luôn giúp đỡ những phạm phân nữ khác hòa nhập với cuộc sống tại nơi giam giữ và đã dạy 4 người đồng hương, cùng mang bản án chung thân, cách nói, viết tiếng Việt. Hiện, Preeyanooch đã được xem xét giảm án.
Suốt hơn một thập kỷ chấp hành án, Preeyanooch chỉ được bố mẹ từ quê nhà sang thăm 3 lần. Những lần gặp mặt hiếm hoi, cô khóc nức nở nói lời xin lỗi bố mẹ qua tấm kính ngăn cách hai bên trong trại giam. Từ năm 2019 đến nay, cô không được gia đình đến thăm nữa.
Bốn năm qua, cô gái Thái Lan nói rất nhớ người thân nhưng không thể làm gì khác. “Tôi luôn tự hỏi cha mẹ, em gái giờ sống thế nào? Tại sao nhiều lần tôi gửi thư thăm hỏi nhưng không có hồi đáp? Có lẽ nào họ đã mất trong đại dịch Covid-19 nên mới như thế này không?”, Preeyanooch khóc.
Quốc Thắng – Đình Văn