Vụ kiện ‘diệt chủng’ có thể khiến Israel thay đổi tính toán ở Gaza
Việc Nam Phi kiện Israel lên ICJ được kỳ vọng có thể khiến Tel Aviv giảm quy mô chiến dịch quân sự tại Dải Gaza trước áp lực từ quốc tế.
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague, Hà Lan, hôm nay bắt đầu phiên điều trần sau khi Nam Phi đệ đơn kiện Israel với cáo buộc phạm tội “diệt chủng” chống lại người Palestine ở Dải Gaza.
Nam Phi cho rằng Israel đã vi phạm luật pháp quốc tế khi thực hiện và không ngăn chặn các hành động “nhằm tiêu diệt người Palestine tại Gaza”. “Ý định hủy diệt Gaza được dung dưỡng ở cấp cao nhất của nhà nước Israel”, Tembeka Ngcukaitobi, đại diện của Nam Phi, nói tại phiên điều trần.
Israel bác bỏ cáo buộc này, nhưng theo giới quan sát, vụ kiện tại ICJ sẽ làm tăng thêm áp lực quốc tế lên Tel Aviv nhằm thu hẹp quy mô hoặc chấm dứt chiến dịch tấn công mà họ đang tiến hành ở Gaza.
ICJ được thành lập sau Thế chiến II với mục tiêu giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, là cơ quan tư pháp chính của Liên Hợp Quốc. ICJ có thẩm quyền xác định liệu một quốc gia có phạm tội “diệt chủng” hay không theo Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng năm 1948.
Trong đơn kiện dài 84 trang, Nam Phi cáo buộc Israel có ý định “tiêu diệt người Palestine ở Gaza như một phần của nhóm quốc gia, chủng tộc và sắc tộc Palestine rộng lớn hơn”.
Theo họ, Israel đã gây thương vong quy mô lớn với dân thường Gaza, ném bom bừa bãi, tàn phá các khu dân cư, khiến người dân phải sơ tán hàng loạt, ngăn chặn khả năng tiếp cận lương thực, nước uống, dịch vụ y tế, chỗ ở, quần áo, vệ sinh của cộng đồng địa phương, xóa bỏ các thể chế dân sự của người Palestine và không cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho dân Gaza.
Nam Phi cũng cáo buộc Israel ngăn cản người Palestine sinh đẻ bằng cách khiến người mang thai phải sơ tán, không cho họ tiếp cận nguồn thực phẩm, nước uống và y tế hay thậm chí giết hại họ.
Theo giới chức y tế tại Dải Gaza, chiến dịch của Israel đến nay đã khiến hơn 23.000 người chết, nhiều nạn nhân trong số đó là phụ nữ và trẻ em, đồng thời đẩy khu vực đến bên bờ vực thảm họa nhân đạo và nạn đói.
Tại tòa, Nam Phi sẽ phải chứng minh rằng mục tiêu của Israel không chỉ nhằm xóa sổ Hamas mà còn là “tiêu diệt” người Palestine tại Gaza. Nam Phi đã dẫn lời các lãnh đạo Israel kêu gọi trục xuất hàng loạt dân thường khỏi Gaza hay nói rằng bất kỳ ai ở đó đều không vô tội.
Adil Haque, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Rutgers, Mỹ cho biết việc chứng minh ý định diệt chủng sẽ là một thách thức lớn. Tuy nhiên, ông lưu ý Israel sẽ được yêu cầu giải thích “tại sao tất cả lãnh đạo quân sự và chính trị của họ lại đưa ra những tuyên bố cực đoan như vậy?”.
Israel kịch liệt phủ nhận các cáo buộc, chỉ trích Nam Phi “hỗ trợ” Hamas.
“Cuộc chiến của chúng tôi nhằm chống lại Hamas, không phải người dân Gaza”, chuẩn đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), hôm 9/11 cho hay.
Giới chức Israel khẳng định họ không nhắm mục tiêu vào dân thường hoặc cố gắng buộc người Palestine rời khỏi Gaza. Trái lại, Tel Aviv đổ lỗi cho Hamas vì sử dụng dân thường làm lá chắn sống. Họ cáo buộc Hamas và các nhóm liên kết tiến hành “chiến dịch diệt chủng” nhằm vào người Do Thái.
Song ICJ chỉ có thẩm quyền xem xét cáo buộc chống lại các quốc gia, không phải những nhóm vũ trang phi nhà nước.
Theo giới chuyên gia, các phiên điều trần tại ICJ sẽ xem xét những “biện pháp tạm thời” nhằm ngăn tình hình ở Dải Gaza trở nên tồi tệ hơn trong lúc phiên tòa diễn ra. Một biện pháp mà Nam Phi đang yêu cầu là Israel phải “ngừng giết hại” dân thường ở Dải Gaza.
Các phán quyết của ICJ có tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng việc thực thi chúng khá phức tạp và đôi khi bị bỏ qua. Nga đã từ chối thực hiện lệnh ngừng giao tranh với Ukraine do ICJ đưa ra hồi năm 2022.
Việc Nga không tuân thủ lệnh ngừng chiến ở Ukraine đã bộc lộ những hạn chế về quyền lực của ICJ. Juliette McIntyre, giảng viên luật tại Đại học Nam Australia, chuyên gia về tòa án và trọng tài quốc tế, cho biết bà sẽ rất ngạc nhiên nếu ICJ ban hành lệnh tương tự đối với Israel.
“Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy một phán quyết linh hoạt hơn liên quan đến việc đảm bảo rằng hàng viện trợ, nước sạch… được phép chuyển vào Gaza và Israel phải tuân thủ các cam kết của mình”, bà nói.
McIntyre cho rằng phán quyết ủng hộ các biện pháp ngừng chiến tạm thời từ ICJ sẽ tạo động lực để Washington tăng sức ép lên Tel Aviv “mà không bị coi là lùi bước trước Hamas”, cũng như gây áp lực chính trị mạnh mẽ lên Israel.
“Phán quyết đó sẽ là cái cớ để các đồng minh như Mỹ nói với Israel rằng ‘các bạn cần giảm quy mô chiến sự ngay bây giờ'”, McIntyre giải thích. “Nó cũng có thể thúc đẩy các đồng minh của Israel rút lại hỗ trợ hoặc viện trợ quân sự vì lo ngại về nguy cơ tiếp tay cho một hành động trái với luật pháp quốc tế”.
Cuối cùng, dù ICJ có ra phán quyết như thế nào, McIntyre cho rằng vụ kiện có ý nghĩa đặc biệt trên khía cạnh duy trì luật pháp quốc tế.
“Nếu các bằng chứng mà Nam Phi đưa ra để chứng minh cho lập luận của mình được chấp nhận, vấn đề không còn nằm trong phạm vi tranh luận nữa”, bà cho hay. “Điều quan trọng là các nước phải tiếp tục nhờ đến tòa án để đảm bảo rằng hành vi sai trái của bất kỳ quốc gia nào cũng không bị bỏ qua”.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, ABC News, AFP, Reuters)