Ukraine kêu gọi châu Âu lập kho vũ khí chung đối phó Nga
Tổng thống Ukraine kêu gọi các nước châu Âu tăng cường sản xuất khí tài để lập kho vũ khí chung nhằm đối phó với Nga.
“Ukraine năm nay sẽ nỗ lực hết sức để thiết lập một kho vũ khí mới của châu Âu, nhằm ngăn Nga có hành động chống lại châu Âu”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 11/1 nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Latvia Edgars Rinkevics tại thủ đô Riga.
Tổng thống Ukraine thăm ba nước vùng Baltic từ 10/1, với Latvia là chặng dừng chân cuối cùng, nhằm củng cố nền tảng ủng hộ của các đồng minh, kêu gọi viện trợ thêm hệ thống phòng không cho Ukraine.
Phát biểu tại Latvia, ông Zelensky cho biết Kiev sẽ tăng cường hợp tác sản xuất vũ khí với các nước đối tác để ngăn cản chiến dịch “chống lại châu Âu” của Nga. Ông trước đó cảnh báo xung đột sẽ không dừng lại ở Ukraine, mà có thể lan sang các nước khác trong khu vực, trong đó có Latvia, Estonia, Litva và Moldova.
“Nga chỉ quan tâm tới sức mạnh và tất cả chúng ta ở châu Âu đều cần tới sức mạnh đó”, Tổng thống Ukraine nói.
Theo ông Zelensky, các nước châu Âu cần phải tăng cường năng lực quốc phòng để có thể tự chủ hơn trong việc phòng thủ. “Bất kể mối đe dọa từ Nga là thế nào, châu Âu cần phải có khả năng đáp trả. Chúng ta có quyền tự vệ”, ông nhấn mạnh.
Tổng thống Rinkevics tái khẳng định cam kết ủng hộ Ukraine trong xung đột với Nga, đồng thời công bố gói viện trợ mới cho Kiev, bao gồm lựu pháo, vũ khí chống tăng, trực thăng, máy bay không người lái (UAV), đạn được và các thiết bị quân sự khác.
Ba nước vùng Baltic gồm Latvia, Litva và Estonia là những bên hỗ trợ tài chính hàng đầu cho Ukraine trong năm 2023 xét về tỷ trọng GDP, trong đó Litva đứng thứ nhất với tỷ lệ 1,4%, còn Latvia và Estonia đứng thứ hai và thứ 5, lần lượt ở mức 1,3% và 1,1%.
Trong cuộc gặp với ông Zelensky ngày 11/1, Tổng thống Estonia Alar Karis kêu gọi viện trợ vũ khí “không giới hạn” cho Ukraine, đồng thời gợi ý rằng Kiev nên được phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Mỹ và đồng minh hiện không cho phép Ukraine sử dụng khí tài do họ cung cấp để tập kích lãnh thổ Nga, do lo ngại căng thẳng leo thang.
“Trong xung đột, việc tấn công các mục tiêu quân sự của đối phương là điều đương nhiên, nếu muốn làm chậm và suy yếu kẻ địch”, ông Karis cho hay.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cũng tái khẳng định cam kết dành 0,25% GDP để viện trợ quân sự cho Ukraine trong 4 năm tới. “Tôi hy vọng đây sẽ là ví dụ tốt cho những nước khác”, bà nói.
Tổng thống Litva Gitanas Nauseda hôm 10/1 nói với ông Zelensky rằng sẽ ủng hộ Ukraine cho đến khi nước này “giành chiến thắng”. Ông cho biết Litva sẽ chuyển giao cho Kiev nhiều xe bọc thép chở quân M577 cùng đạn dược vào tháng tới, một phần của gói viện trợ trị giá 200 triệu euro mà nước này công bố trước đó.
Chuyến công du ba nước vùng Baltic của ông Zelensky diễn ra trong bối cảnh viện trợ nước ngoài dành cho Ukraine đang sụt giảm. Cơ quan theo dõi viện trợ cho Ukraine thuộc Viện Kiel ở Đức tháng 12 năm ngoái công bố nghiên cứu cho thấy cam kết viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo mới cho Ukraine tháng 8-10 năm 2023 đạt gần 2,3 tỷ USD, giảm 87% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây là mức thấp nhất kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Tổng thống Zelensky nhiều lần khẳng định nước này đang thiếu hệ thống phòng không và đạn được để đối phó Nga, trong bối cảnh Moskva gần đây mở nhiều cuộc tập kích quy mô lớn vào lãnh thổ Ukraine.
Phạm Giang (Theo AFP, Ukrinform)