Ukraine có thể từng lỡ cơ hội mở đợt phản công quyết định
Tư lệnh Ukraine muốn mở đợt phản công lớn cuối năm 2022, khi Nga chưa củng cố được trận địa, nhằm giáng đòn quyết định, nhưng bị Mỹ ngăn cản.
Chiến dịch phản công quy mô lớn mà Ukraine phát động vào đầu tháng 6/2023 đã thất bại, khi lực lượng nước này chỉ giành lại vài ngôi làng với tổn thất đáng kể về nhân lực và phương tiện chiến đấu, trong khi không thể cắt đứt hành lang trên bộ từ bán đảo Crimea đến miền tây nước Nga.
Trong cuốn sách “Kẻ thù của chúng ta sẽ biến mất”, Yaroslav Trofimov, nhà báo về mảng đối ngoại của Wall Street Journal, tiết lộ quân đội Ukraine từng muốn tận dụng thành quả trong đợt phản công chớp nhoáng mùa thu năm 2022 để mở một chiến dịch mới mang tính quyết định nhằm cắt đôi hàng lang trên bộ của Nga. Nếu chiến dịch này được tiến hành, nó nhiều khả năng đã tạo ra cục diện rất khác cho chiến trường Ukraine.
Đại tướng Valery Zaluzhny, tư lệnh quân đội Urkaine, cuối năm 2022 muốn mở đợt phản công với các mũi thọc sâu tại tỉnh Zaporizhzhia, hướng ra biển Azov. Trong các cuộc thảo luận với đối tác phương Tây, cả tướng Zaluzhny và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều ủng hộ mũi tiến công về bờ biển Azov.
Họ cho rằng chiến dịch này sẽ có cơ hội thành công rất cao, bởi lực lượng Nga khi đó vừa hứng chịu loạt thất bại liên tiếp ở Kharkov cũng như mặt trận miền đông, phải liên tục rút quân và chưa kịp thiết lập phòng tuyến Surovikin với bãi mìn, chướng ngại vật và công sự dày đặc.
Kế hoạch này khi đó được đánh giá là một canh bạc lớn. Mũi tiến công của Ukraine cần thọc đủ sâu và đủ rộng để ngăn lực lượng Nga phản kích, đánh tạt sườn các đơn vị đang tiến công. Nhưng nếu thành công, Ukraine có thể tận dụng tối đa động lực sau những thất bại nặng nề của Nga trên chiến tuyến.
Các quan chức Ukraine khi đó không đưa ra nhiều yêu cầu lớn với phía Mỹ để tiến hành đợt phản công này. Tướng Zaluzhny ước tính lực lượng Ukraine chỉ cần thêm 90 khẩu pháo và lượng đạn đủ cho đợt tiến công.
Dù rất khó đánh giá được số vũ khí này có đủ hay không, Ukraine nếu tập hợp được một lực lượng tác chiến đủ mạnh có thể giành lại nhiều vùng lãnh thổ bằng chiến dịch thọc sâu đó, như những gì họ đã làm tại tỉnh Kharkov.
Tình hình tại Zaporizhzhia cuối năm 2022 được đánh giá là đã chín muồi cho đợt phản công quy mô lớn của Ukraine. Không giống tỉnh Kherson, nơi sông Dnieper chia lãnh thổ thành hai, tỉnh Zaporizhzhia không có những chướng ngại vật tự nhiên chia cắt như vậy, cho phép lực lượng phản công Ukraine có thể tiến xa hơn một cách nhanh chóng.
Nhưng kế hoạch này vấp phải sự hoài nghi từ giới chức Mỹ, bởi quân đội Ukraine lúc đó chưa thể hiện được năng lực tiến công quy mô lớn nào.
Một số quan chức Mỹ lo ngại việc Ukraine tiến quân đến khu vực ven biển Azov, trải dài từ Berdyansk tới Melitopol, có thể tạo ra những lỗ hổng trên chiến tuyến. Nhiều người còn hoàn nghi khả năng phối hợp tác chiến giữa các lữ đoàn Ukraine để tiến công hiệu quả.
Dưới góc nhìn của các tướng lĩnh và chính trị gia Mỹ, kế hoạch phản công mà Ukraine đề xuất tiềm ẩn nguy cơ “gây ra thảm họa”. Nếu đợt phản công thất bại, Ukraine có thể hứng chịu tổn thất chiến lược, khiến Nga chiếm phần còn lại của tỉnh Zaporizhzhia và thậm chí cả tỉnh Dnipro lân cận.
Với sự hoài nghi này, thay vì ủng hộ chiến dịch táo bạo mà Kiev đề xuất, Mỹ muốn Ukraine tập trung vào mục tiêu khác cho đợt phản công là Kherson. Đây được đánh giá là lựa chọn an toàn hơn, mức độ rủi ro nếu chiến dịch tấn công thất bại cũng thấp hơn.
Kherson là đô thị lớn đầu tiên và duy nhất của Ukraine mà Nga kiểm soát sau khi chiến sự bùng phát tháng 2/2022. Thành phố nằm ở bờ tây sông Dnieper và lực lượng Nga đồn trú tại đây phụ thuộc hoàn toàn vào các cây cầu bắc qua sông để duy trì nguồn tiếp tế.
“Lý do chúng tôi muốn họ tấn công vào Kherson vì Ukraine không có binh lực đã qua huấn luyện để tiến về phía nam. Họ có thể theo đuổi mục tiêu vượt quá khả năng tại miền nam và bị đánh bại”, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết.
Tướng Zaluzhny không đồng tình với đánh giá này của Mỹ. Các trợ lý cho biết tướng Zaluzhny giải thích quân đội “phải tấn công ở những nơi cần thiết, không phải ở những nơi có thể”.
Theo nhà báo Trofimov, tướng Zaluzhny sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để mở chiến dịch phản công ở Zaporizhzhia, bởi nó có thể mang lại hiệu quả lớn và góp phần định đoạt cục diện chiến sự ngay trong năm 2022. Tuy nhiên, do Mỹ kiểm soát phần lớn viện trợ quân sự cho Ukraine, lập luận của tướng Zaluzhny đã không thay đổi được tình hình.
Ukraine sau đó dồn nguồn lực tấn công về phía thành phố Kherson. Quân đội Ukraine dễ dàng tập kích các cây cầu bắc qua sông Dnieper, cản trở nghiêm trọng tuyến tiếp tế và uy hiếp lực lượng Nga đồn trú ở thành phố Kherson.
Cuối cùng, trước sức ép liên tục của các đơn vị Ukraine, Nga phải rút khỏi Kherson, lui về bờ đông sông Dnieper để củng cố phòng tuyến. Sau khi quân đội Ukraine giành lại Kherson, đà tiến của họ cũng chững lại do vấp phải trở ngại từ sông Dnieper.
Lầu Năm Góc tháng 11/2022 ca ngợi việc Ukraine tái kiểm soát thành phố Kherson sau chiến dịch tấn công chớp nhoáng ở tỉnh Kharkov là “thành tựu quan trọng”. Quân đội Mỹ cho rằng đây là “kết quả ấn tượng, cho thấy Ukraine không chỉ dựa vào may mắn để cản bước quân đội Nga”.
Quân đội Ukraine sau đó phải chờ hơn 6 tháng mới mở các mũi tiến công ở tỉnh Zaporizhzhia, muộn hơn rất nhiều so với kế hoạch ban đầu mà ông Zaluzhny đề ra.
Lần này, lực lượng Nga đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Ukraine tung ra chiến trường nhiều lữ đoàn huấn luyện theo chiến thuật NATO, sử dụng tăng thiết giáp và phương tiện chiến đấu do phương Tây viện trợ. Tuy nhiên, đợt phản công bị phòng tuyến kiên cố của Nga chặn lại.
Năng lực của phòng tuyến được Nga thiết lập trong những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 là một trong những lý do chính khiến chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine thất bại. Các chuyên gia phương Tây cho rằng nếu Ukraine tấn công sớm hơn, phòng tuyến của Nga không rộng và kiên cố đến vậy.
Sau những tổn thất về nhân sự và phương tiện chiến đấu, Ukraine buộc phải từ bỏ một số chiến thuật kiểu NATO, không sử dụng thiết giáp hạng nặng và cho binh sĩ tiến chậm theo các nhóm nhỏ với pháo binh yểm trợ để tấn công phòng tuyến Nga. Chiến thuật này không thể tạo nên bất cứ thay đổi lớn nào trên chiến trường.
Trong lúc Ukraine phải chuyển sang thế phòng thủ trong mùa đông, nhiều chuyên gia chỉ trích cách tiếp cận của phương Tây đối với cách lực lượng nước này tác chiến. “Tôi đồng ý với những lời phê bình rằng trong suốt cuộc chiến, Mỹ đã quá bảo thủ và không tạo điều kiện cho Ukraine đạt thành công trên chiến trường”, George Barros, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Mỹ, nhận định.
Theo ông Barros, cách nhìn nhận của giới tướng lĩnh và lãnh đạo chính trị Mỹ đã khiến một số cơ hội của Ukraine bị đóng sập, đặc biệt là sự chậm trễ trong chuyển giao các khí tài hạng nặng.
“Mỹ đã trì hoãn chuyển xe tăng M1 Abrams, tên lửa ATACMS và tiêm kích F-16 cho Ukraine”, Barros nói. “Chúng chỉ đến tay Ukraine vào cuối năm 2023, đầu năm 2024, trong khi thời điểm họ cần chúng nhất là vào năm 2022”.
Nguyễn Tiến (Theo BI, Reuters, AFP)