Tác giả ‘Chào tiếng Việt’: Mong trẻ em nước mình yêu tiếng mẹ đẻ
Nguyễn Thụy Anh – tác giả “Chào tiếng Việt”, giải A Sách Quốc gia 2023 – viết tác phẩm với ước muốn giải tỏa nỗi sợ học tiếng mẹ đẻ của trẻ Việt ở nước ngoài.
Bộ sách gồm hai tập – Ra khơi và Khám phá – hướng dẫn trẻ em tiếp cận tiếng Việt qua nhiều cấp độ, đoạt giải tại sự kiện ở Hà Nội, hôm 29/12. Tác phẩm góp phần giúp trẻ được làm quen chữ cái, hệ thống nguyên âm, phụ âm qua các câu chuyện, từ đó nâng cao kỹ năng giao tiếp.
Dịp này, tác giả Nguyễn Thụy Anh nói về cảm hứng và quá trình thực hiện sách.
– Hiện nay, nhiều người Việt có xu hướng thích học và nói ngoại ngữ hơn tiếng mẹ đẻ, quan điểm của chị về điều này ra sao?
– Thực ra cũng dễ hiểu, ngoại ngữ mang đến cho con người một thế giới có vẻ văn minh hơn. Bố mẹ nghĩ đơn giản là muốn con thành công, sau này tiếp cận nền giáo dục khác. Tôi thông cảm nhưng ở một khía cạnh, mọi người không hiểu mình đang mất rất nhiều thứ. Cội nguồn không phải lý thuyết suông mà sau này sẽ nâng đỡ mình. Tôi biết một em sống ở Ba Lan, khi phỏng vấn xin việc tại đây đã bị loại vì không biết tiếng mẹ đẻ, trong khi có bố mẹ đều là người Việt.
Mình có thể học tiếng nước ngoài, vì sao thứ ngôn ngữ có sẵn trong máu thịt lại để mất đi. Thỉnh thoảng, tôi rất buồn khi gặp những bạn nhỏ sống trên đất Việt nhưng nói ngoại ngữ khác. Tôi không phê phán, bởi đó là lựa chọn của các em và gia đình. Tôi chỉ tiếc vì những gì chúng ta đang làm không thua kém các nước văn minh khác. Dù có giỏi tiếng Anh hay tiếng Pháp, tôi cũng không nghĩ có thể tự hào cho rằng mình thuộc về nền văn hóa đó được.
– Ý tưởng và quá trình hoàn thiện bộ sách của chị diễn ra thế nào?
– Ý tưởng của tôi được hình thành dần qua năm tháng. Thời sinh viên, tôi đã đi dạy thêm tiếng Việt, rồi khi sinh con ở Nga, tôi luôn cố gắng để con biết tiếng mẹ đẻ. Việc theo dõi con phát âm, tiếp nhận tiếng Việt cho tôi thêm kinh nghiệm viết sách. Từ khi về nước, năm nào tôi cũng dành hơn một tháng đi đến các quốc gia để tập huấn giáo viên, làm trại tiếng Việt, giúp mọi người tin vào phương pháp giáo dục của mình.
Trong quá trình ấy, nhiều lần tôi đặt bút viết nhưng thấy cần phải thực nghiệm nhiều hơn. Tiếp xúc nhiều trẻ sống tại nước ngoài, tôi thấy có em khóc vì phải học tiếng Việt, hay yêu thích thời gian đầu nhưng về sau lại hết hứng thú. Thậm chí, người lớn khi hòa nhập cuộc sống nơi đất khách quê người cũng không còn nói tiếng Việt.
Năm 2015, tôi đã lên đề cương, đến năm 2020 có duyên được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề nghị hợp tác. Nhờ đội ngũ biên tập, họa sĩ chuyên nghiệp, tôi hoàn thành bộ sách chỉ trong 2-3 tháng, nhưng nội dung đã được đúc kết trong nhiều năm trải nghiệm, ghi chép thực tế.
Khi biết tác phẩm đoạt giải A Sách Quốc gia 2023, tôi rất hạnh phúc, đến nay vẫn còn lâng lâng, có nhiều hứng khởi để làm việc. Tôi biết hội đồng chuyên môn của giải đã làm việc rất cẩn trọng, chuyên nghiệp, thường qua mấy vòng và có chuyên gia phản biện với những sách được đề cử cao.
– Viết sách cho trẻ gốc Việt sống tại nước ngoài, chị làm thế nào để kích thích tình yêu tiếng Việt trong các em?
– Một sai lầm là nhiều bố mẹ bỏ lỡ giai đoạn bồi dưỡng tiếng Việt khi con còn nhỏ, vì sợ con không giỏi ngoại ngữ, khó hòa nhập. Sự thật là con sẽ thích nghi rất nhanh với môi trường sinh ngữ.
Khi con trai còn nhỏ, sống ở Nga, tôi đã tạo môi trường tiếng Việt cho bé bằng cách trò chuyện, đọc thơ. Mọi người luôn thắc mắc làm sao con hiểu được, nhưng tôi tin con có thể cảm nhận. Tiếng Việt sẽ trở thành không gian bao bọc con từ lúc còn trong bụng mẹ. Tôi luôn khuyên các ông bố, bà mẹ đừng ngại thể hiện tình yêu thương hay nói chuyện với con, hãy dùng ngôn ngữ thân thương nhất để trao đổi, tâm sự cùng trẻ. Khi hạnh phúc vì là một phần của đất nước, cảm nhận được cái đẹp của ngôn ngữ, trẻ sẽ có động lực để học tiếng mẹ đẻ.
Vì vậy, vai trò của người làm bố mẹ rất quan trọng. Bộ Chào tiếng Việt ra đời cũng để hỗ trợ phụ huynh giúp con kết nối với tiếng Việt. Trong sách, tôi đã thực hiện những phương pháp để các em nhỏ yêu tiếng mẹ đẻ, giải tỏa mọi nỗi sợ cho trẻ Việt sống ở nước ngoài khi tiếp xúc ngôn ngữ này.
– Phương pháp đó cụ thể là gì?
– Trẻ em nào cũng thích vui, ham thử thách. Vì vậy, tôi đưa vào những câu đố hài hước, kích thích sự quan tâm của trẻ. Phần hình ảnh đi kèm sẽ giúp trẻ hiểu được nội dung văn bản. Các hoạt động chơi, kể chuyện, dùng động tác cơ thể rất đa dạng. Ví dụ hôm nay nấu ăn, ngày mai là pha trà, từ đó trẻ có thể học thêm ít nhất ba từ mới, tích lũy dần để hiểu tiếng Việt hơn.
Trong cấp độ một có tên Ra khơi, tôi tạo ra nhiều cuộc phiêu lưu lên rừng, xuống biển, không vội vàng đưa kiến thức, sẽ dễ khiến các bạn nhỏ căng thẳng. Khi trẻ đã thích thú, cấp độ hai – Khám phá – đưa các bạn lên con thuyền trở về Việt Nam, đi qua các địa danh nổi bật để học ngôn ngữ.
Tôi rất vui khi bộ sách ra mắt nhận được tình cảm của nhiều khán giả nhí. Tôi thường nhận được tin nhắn, video các phụ huynh sống ở nước ngoài gửi, nói rằng con họ rất thích tác phẩm.
– Ngoài viết sách, chị còn sáng tác thơ cho trẻ em. Chị đặt ra những tiêu chí nào trong ngôn ngữ dành cho trẻ?
– Tôi hướng đến sự đơn giản nhưng không quá nôm na. Trong bài, tôi luôn lồng ghép nhiều hình ảnh để trẻ liên tưởng, khơi gợi tình yêu với ngôn ngữ. Tránh việc áp đặt bài học một cách trực diện mà nên có thông điệp nhẹ nhàng, phù hợp.
Tôi tự thấy mình hợp với trẻ em, được là chính mình khi ở cạnh chúng. Việc dạy thêm khi còn đi học giúp tôi có cơ hội tiếp xúc và gắn bó trẻ. Khi có con, cảm hứng thơ ca trong tôi càng mạnh mẽ. Thấy con chơi đùa, nói chuyện, tôi cũng có thể sáng tác thơ. Tôi cho rằng món quà đáng quý mà mình nhận được là sự kết nối với các bạn nhỏ.
– Sau bộ sách ”Chào tiếng Việt”, dự định của chị là gì?
– Tôi vẫn duy trì hoạt động ở câu lạc bộ Đọc sách cùng con. Nơi đây được thành lập từ năm 2010, là môi trường để kích thích tình yêu đọc sách cho trẻ. Ngoài ra, tôi tiếp tục làm các trại tiếng Việt mùa thu, mùa đông trên thế giới, tổ chức nhiều lớp học online về tiếng Việt cho các bạn nhỏ trong nước và sống ở quốc tế. Tôi đang hoàn thiện một số bản thảo về ngữ liệu tập đọc, tập nghe và bộ thành ngữ, tục ngữ Việt Nam.
Nguyễn Thụy Anh, 49 tuổi, là tiến sĩ ngành Giáo dục học, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Lenin, Moskva (Nga). Chị có 17 năm sống và làm việc tại Nga trước khi về Việt Nam năm 2009. Thụy Anh từng cộng tác tạp chí Mẹ và Bé, là người sáng lập và chủ nhiệm câu lạc bộ Đọc sách cùng con. Chị cũng có nhiều tập thơ được yêu thích. Năm 2014, Thụy Anh ra mắt bộ sách thơ gồm bốn tập: Nhim nhỉm nhìm nhim; Mẹ Hổ dịu dàng; Ngày xưa, ngày nay, ngày sau; Vui cùng tiếng Việt. Một năm sau, bộ thơ được trao giải đồng, giải thưởng Sách Việt Nam (nay là giải Sách Quốc gia).
Phương Linh