Phố thịt chó Hàn Quốc đìu hiu
Các nhà hàng thịt chó ở Seoul vắng vẻ sau khi quốc hội Hàn Quốc thông qua luật cấm buôn bán thịt chó, dù chưa có hiệu lực ngay lập tức.
Những con hẻm ở quận Jongno, trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc, từng rất tấp nập khi nhiều thực khách tìm tới “phố thịt chó” này để thưởng thức đặc sản. Tuy nhiên, khu phố trở nên vắng khách sau khi quốc hội Hàn Quốc ngày 9/1 thông qua luật cấm nuôi chó lấy thịt, giết mổ hay phân phối thịt chó.
Đạo luật có độ trễ ba năm, bắt đầu có hiệu lực từ 2027, để những người buôn bán thịt chó có thời gian chuẩn bị thay đổi sinh kế. Tuy nhiên, nhiều chủ nhà hàng, trang trại thịt chó ở đây không hài lòng với đạo luật, cho rằng nó là động thái “đơn phương” của chính phủ.
“Nhà hàng này là sinh kế của tôi hơn 4 thập kỷ qua và chỉ còn ba năm nữa phải đóng cửa. Tôi không biết phải làm gì tiếp theo”, chủ một nhà hàng thịt chó giấu tên ở Jongno nói khi đang chuẩn bị bosintang, món canh thịt chó từng được người Hàn ưa chuộng.
Nhà hàng thịt chó của ông nằm trong một hẻm nhỏ gần chợ Gwangjang, bên trong có vài khách đang dùng bosintang. Khu vực này từng tập trung nhiều nhà hàng thịt chó, nay các hộ dần chuyển sang kinh doanh canh gà, cá nướng.
Dù thừa nhận nghề của ông không còn được dư luận nhìn nhận một cách tôn trọng như xưa, chủ quán này cho biết công việc kinh doanh đã truyền qua nhiều thế hệ và gia đình ông vẫn làm việc chăm chỉ, phục vụ “món đặc sản một thời”.
“Chúng tôi phải đi vay khi đại dịch Covid-19 ập tới, phải làm mọi cách để duy trì hoạt động kinh doanh. Nhưng sau khi quốc hội thông qua luật mới, chúng tôi cảm thấy cùng đường”, ông nói, chỉ vào tấm biển hiệu cũ kỹ, in dòng chữ “hương vị trăm năm” đã phai.
Theo đạo luật, người nuôi chó lấy thịt, giết mổ, phân phối thịt chó sẽ đối mặt án tù hoặc phạt tiền tới 30 triệu won (22.800 USD). Đạo luật chủ yếu nhắm tới người bán hoặc các chủ trang trại chó, còn những người tiêu thụ thịt chó hoặc các sản phẩm liên quan không bị trừng phạt.
Tiêu thụ thịt chó ở Hàn Quốc đã giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây, trong bối cảnh nhiều người nước này coi ăn thịt chó là “nỗi hổ thẹn” với quốc tế. Nhưng một số chủ nhà hàng cho biết một số khách quen vẫn lui tới, tìm và thưởng thức món ăn mà họ cho là bổ dưỡng.
“Hãy cố cầm cự, tôi sẽ ăn món này lâu nhất có thể”, một thực khách khoảng 60 tuổi nói với chủ quán sau khi thưởng thức phần canh thịt chó hầm.
Một bà chủ gần đó, điều hành quán ăn gia đình đã 30 năm, cũng tỏ ra bi quan về sinh kế tương lai, sau khi dành cả cuộc đời để chế biến, phục vụ thịt chó.
“Tôi không chắc mình có thể bắt đầu một công việc kinh doanh mới, nhất là trong thời kỳ kinh tế suy thoái hiện tại. Chỉ mong chính phủ hỗ trợ đầy đủ”, bà nói.
Theo đạo luật, trong ba năm tới, toàn bộ các trang trại, nhà hàng thịt chó đều phải đệ trình kế hoạch ngừng hoạt động lên chính quyền địa phương. Họ sẽ được hỗ trợ tài chính để đóng cửa hoặc chuyển nghề trong thời gian này, song thông tin chi tiết về chính sách hỗ trợ chưa được công bố.
Đại diện ngành công nghiệp chăn nuôi, buôn bán chó thịt cho rằng đạo luật mới thiếu các hướng dẫn cụ thể và “vi phạm quyền cơ bản của người dân đối với nghề nghiệp, tài sản và sinh kế”.
“Hiến pháp Hàn Quốc quy định mọi quyền của công dân liên quan đến tài sản phải được đảm bảo, các động thái hạn chế do yêu cầu của chính quyền phải được đền bù tương xứng”, Ju Yeong-bong, lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Chó ở Hàn Quốc, nói. Hiệp hội hồi tháng 11/2023 từng đe dọa thả hai triệu con chó vào thủ đô để phản đối dự luật.
Ông Ju nói thêm thời hạn ba năm là “quá ngắn”, ít hơn rất nhiều so với thời gian chuyển tiếp 7 năm được hiệp hội và các nhóm bảo vệ quyền động vật thỏa thuận vào năm ngoái. “Hầu hết những người chăn nuôi chó đã đầu tư toàn bộ sản nghiệp cho công việc kinh doanh. Rất khó để chuyển sinh kế và thành công vào thời điểm này”, Ju cho hay.
Theo ông, những người chăn nuôi cần được hỗ trợ 2 triệu won (gần 1.600 USD) cho mỗi con chó, kèm các chi phí bổ sung khác để xử lý nguồn thức ăn cho chó dư thừa. “Các chủ nhà hàng cũng cần được bồi thường ít nhất 5 năm thu nhập, dựa trên mức thuế mà họ đã nộp”, ông Ju nói. Chính phủ Hàn Quốc chưa bình luận về yêu cầu này.
Đức Trung (Theo Korea Times)