Nga biến UAV FPV thành ‘ngư lôi tự dẫn đường trên không’
Nga đang thử nghiệm lắp cảm biến dẫn đường cho UAV FPV tại Ukraine, giúp chúng tự tấn công mục tiêu mà không cần chỉ thị từ người điều khiển.
“Nhiều hệ thống dẫn đường quang học cho máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (UAV FPV) đã được phát triển và thử nghiệm tại tiền tuyến. Công nghệ này có tiềm năng rất lớn, cho phép tấn công mục tiêu cố định và di động trên mặt đất, cũng như thiết bị bay”, Dmitry Kuzyakin, tổng giám đốc Trung tâm Tích hợp Giải pháp Không người lái (CCBR) của Nga, cho biết hôm nay.
Ông Kuzyakin nói rằng phi công có nhiệm vụ điều khiển UAV FPV tìm kiếm và đánh dấu mục tiêu tại khu vực nghi do đối phương kiểm soát. “Sau đó, người lái sẽ chuyển UAV FPV sang chế độ ‘ngư lôi tự dẫn đường trên không’, cho phép nó tự bám bắt và lao tới mục tiêu mà không cần thêm mệnh lệnh nào”, ông cho hay.
Những mẫu UAV FPV hiện nay có nhiều hạn chế, như tín hiệu hình ảnh và kiểm soát bị suy giảm, thậm chí cắt đứt hoàn toàn khi hạ độ cao ở địa điểm cách xa người điều khiển. Điều đó buộc kíp vận hành đến gần mục tiêu hết mức có thể nhằm duy trì khả năng điều khiển, đặt họ vào vòng nguy hiểm do hỏa lực và UAV đối phương, hoặc chấp nhận nguy cơ đánh trượt mục tiêu.
Các chuyên gia Nga nói rằng phương thức tự dẫn đường sẽ tăng độ an toàn và hiệu quả tác chiến cho các phân đội UAV FPV.
UAV FPV là phi cơ điều khiển từ xa bằng tay cầm và bộ thiết bị đeo trên đầu, giúp người sử dụng có góc nhìn chân thực giống như đang ngồi trong buồng lái máy bay. Chúng được chế tạo từ các linh kiện giá rẻ và có thể lắp ráp ngay trên chiến trường. Phạm vi hoạt động của chúng là khoảng 15 km, tùy thuộc vào kích thước tải trọng.
Chúng thường được trang bị đầu nổ lõm xuyên giáp (HEAT) của súng chống tăng RPG-7 hoặc các khối vật nổ văng mảnh, cho phép tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau. Dù có uy lực kém hơn những UAV tự sát chuyên biệt, UAV FPV vẫn là mối đe dọa không nhỏ trên chiến trường do nhỏ gọn, khó bị phát hiện và đánh chặn.
Giới chuyên gia cho rằng Ukraine đang tụt hậu so với Nga trong sử dụng UAV trên chiến trường do thiếu người vận hành, số lượng khí tài hạn chế và thiết bị kém chất lượng. Yury Fedorenko, chỉ huy đại đội Achilles thuộc Lữ đoàn xung kích số 92 Ukraine, tháng trước thừa nhận Nga có lợi thế rất lớn khi sở hữu số lượng UAV nhiều gấp 7 lần đối phương ở tiền tuyến.
Vũ Anh (Theo TASS, Reuters)