Lãng mạn với Đa Mi
Cứ tưởng mặt hồ Hàm Thuận phẳng lì thì dễ nhàm chán nhưng không. Mấy chục ốc đảo lớn nhỏ trải khắp lòng hồ như những nốt nhạc trầm bổng trên khuôn nhạc nước được vẽ khi thuyền lướt qua
Bình Thuận khá quen thuộc với nhiều người thích tắm mình trong nắng, gió của những bãi biển dài đẹp ở Phan Thiết, La Gi, Hàm Thuận Nam… hay vùng đảo Phú Quý. Nhưng ít ai biết, nếu đi ngược về phía Tây Bắc Bình Thuận, ta có thể tận hưởng khí hậu mát mẻ của một vùng đất bazan làm mê đắm lòng người bởi cảnh đẹp của hồ, thác, dốc đồi.
Đẹp quá, cố tỉnh để ngắm!
Cũng như nhiều người thích điểm ngao du mới, chúng tôi đã đến Đa Mi – nơi không biển ở Bình Thuận.
Nhờ có các đường cao tốc mà thời gian đi xe từ TP HCM đến xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận gần 200 km chỉ mất 3 giờ 30 phút. Tuy quãng đường cuối khoảng 50 km trên Quốc lộ 55 dẫn vào xã Đa Mi uốn lượn liên tục qua những cánh rừng, sườn núi, đồi dốc khiến vài người muốn say xe nhưng cảnh vật đẹp quá, phải cố tỉnh để ngắm.
Đa Mi là xã núi nằm ở vị trí giáp thông sang huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, cách TP Bảo Lộc chưa đầy 40 km, ở độ cao 600 – 800 m so với mặt nước biển. Vì thế, Đa Mi ảnh hưởng khí hậu ôn đới, nhiệt độ trung bình 26 độ C. Vừa đến Đa Mi, chúng tôi đã cảm nhận được không khí mát mẻ, trong lành, từ chiều đến tối trời lành lạnh.
Đa Mi được bao bọc bởi những cánh rừng và phong cảnh hữu tình, nhất là lòng hồ thủy điện Hàm Thuận diện tích 2.520 ha và lòng hồ thủy điện Đa Mi diện tích 700 ha. Chúng tôi chọn du thuyền dạo trên hồ Hàm Thuận. Thật bất ngờ, ở một xã đường đi lại mới bớt khó khăn vài năm gần đây, nay đã có đơn vị đầu tư 3 thuyền chở khách du lịch khá hoàn chỉnh, có thể chở cùng lúc cả trăm người.
Bước lên thuyền 2 tầng, mọi người đã thấy hài lòng với nụ cười tươi kèm lời chào dễ thương của các nhân viên phục vụ du lịch ở Đa Mi. Chúng tôi được mời dùng nước trà giảo cổ lam, hạt mắc ca và khô cá lìm kìm chiên giòn. Thiên Ân – nhân viên trên thuyền – giới thiệu đấy đều là những sản vật địa phương.
Thuyền chạy chậm để chúng tôi ngắm cảnh hồ. Đẹp thật! Gió mát lộng, mặt hồ trong như gương. Cứ tưởng mặt hồ Hàm Thuận phẳng lì một mạch thì chắc dễ nhàm chán, nhưng không. Mấy chục ốc đảo lớn nhỏ trải khắp lòng hồ như những nốt nhạc trầm bổng trên khuôn nhạc nước được vẽ khi thuyền lướt qua.
Chúng tôi nhìn rõ những vườn sầu riêng, bơ, mắc ca trồng dày trên một số ốc đảo. Ông Mai Văn Minh – chủ đầu tư đội du thuyền – cho biết ở đây có 9 ốc đảo lớn. Trong đó, đảo Xương Rắn lớn nhất nhưng hiện chủ yếu duy trì hệ sinh thái tự nhiên. Các ốc đảo khác thì địa phương đang thử nghiệm giao đất cho người dân làm vườn cây ăn trái kết hợp đón khách du lịch. Tên của từng ốc đảo được đặt theo góc nhìn và ý tưởng của từng hộ dân.
Gia đình ông Minh trồng sầu riêng, bơ và mắc ca trên ốc đảo được ông đặt tên là Tề Thiên. Ông dành một góc trên ốc đảo làm trạm dừng cho khách du ngoạn trên hồ, có võng ngả lưng hóng gió, có vườn cây ăn trái tha hồ chụp ảnh.
Đong đầy cảm xúc
May mắn là chúng tôi đến Đa Mi vào đúng ngày rằm trăng tròn.
Buổi tối, trước khi chọn nơi lưu trú qua đêm, mọi người đã tập trung ở một quán cà phê có những góc hướng hồ thật “chất”. Trời se se, có ly cà phê, tách trà, ngắm trăng thanh soi ánh sáng lung linh xuống mặt hồ. Nghe nhẹ người làm sao ấy!
Hôm sau, các anh chị làm du lịch địa phương đề nghị chúng tôi dậy thật sớm để săn mây và ngắm bình minh lên từ hồ. Từng áng mây trắng lướt qua bầu trời ửng nắng vàng. Rồi mảng mây nào đó vô tình thả trôi nhẹ nhàng lên lớp màu xanh cây cối trên các ốc đảo hay sà gần hòa vào hơi nước bàng bạc từ mặt hồ tỏa lên. Quả thật, bỏ qua thời khắc này thì tiếc lắm!
Muốn cho khách đong đầy cảm xúc với hồ Hàm Thuận, chiều muộn, các anh chị địa phương đưa chúng tôi tới khu vực đập tràn, vị trí ngắm hoàng hôn tuyệt đỉnh. Vậy là trong bộ sưu tập ảnh của mỗi người đã có đủ những vẻ đẹp khác nhau của hồ Hàm Thuận.
Nếu như những khung cảnh bình minh, trời quang ban ngày, hoàng hôn, trăng thanh về đêm trên hồ cho cảm giác nhẹ nhàng, thư thái thì việc lên được các thác lớn ở Đa Mi như một cuộc kiểm tra sức dẻo dai, khéo léo của mỗi người. Đa Mi có 3 thác lớn là Sương Mù, Chín Tầng, Mây Bay và gần chục thác nhỏ. Thác Sương Mù cao gần 100 m, xếp thứ 4 trong những thác có độ cao nhất của cả nước, đường đi vào đây khó khăn nhất.
Cuộc hội ngộ ở Đa Mi lần này có các bạn trẻ, có các anh chị độ tuổi U70, số còn lại đã qua tuổi thanh niên từ lâu nhưng chưa chịu ai gọi mình là cô, chú. Tùy theo khả năng, những người cảm thấy đủ sức dẻo dai thì đi thác Sương Mù cả ngày, đi bộ đường rừng, lội suối đá, ăn trưa dã chiến; số còn lại đi thác Chín Tầng trong một buổi. Câu chuyện rôm rả nhất trong buổi ăn tối ngày thứ 2 ở Đa Mi là gửi cho nhau những bức ảnh, các đoạn clip đi thác, khoe nhau khả năng chinh phục từng tầng thác.
Hứa hẹn là điểm đến lý tưởng
Ở thác Chín Tầng (thôn Đa Tro), chúng tôi có dịp trò chuyện với chị Út. Chị có nhà và vườn sầu riêng ngay đầu lối vào thác.
Chị Út cho biết cách nay hơn 10 năm, khi đường chưa dễ đi, người dân ở đây đã thấy những nhóm nhỏ khách phượt. Họ truyền tai nhau về Đa Mi, rồi khách mỗi năm nhiều hơn. Gia đình chị cũng tình cờ phục vụ khách vào thác Chín Tầng, từ giữ xe đến bán nước uống, chuối, sầu riêng nhà trồng. Rồi khách đề nghị cho bữa ăn trưa tại chỗ, chị bắt gà nhà nuôi làm thịt. Chị chỉ tính tiền gà, cho khách mượn nồi và chén đũa để họ tự nấu theo ý.
Nhiều đường trong xã giờ đã được tráng bê-tông, trải nhựa, xe 45 chỗ đưa khách đến thuận lợi. Chị Út bộc bạch: “Nhà em gốc nông dân, thu nhập chính từ những vườn cây ăn trái, phục vụ khách là việc tay trái thôi. Nhưng em thích thấy địa phương phát triển được du lịch. Hiện giờ, nhà em cho khách đi nhờ trong vườn sầu riêng để vào thác Chín Tầng. Em vẫn mong địa phương làm lối đi chính thức vào thác và lối dốc lên xuống an toàn cho khách. Chỗ ăn uống nay đã có mấy nhà hàng, quán cà phê khá đẹp, phục vụ được đông khách”.
Đa Mi đã có 2 nhà hàng gần nhau, có thể cùng phục vụ một lúc 200 – 300 khách. Chúng tôi đã vào một trong 2 nhà hàng ấy trong bữa ăn trưa, tối, được thưởng thức những món rau nhà, lá rừng, trái vườn, cá hồ của địa phương.
Chị Nguyễn Thùy Linh – giám đốc một công ty dịch vụ du lịch ở đây – thổ lộ bên cạnh nhà hàng, công ty của chị còn có homestay mới xây dựng và chúng tôi là đoàn khách đầu tiên. Homestay này dựa lưng vào rừng, nhìn ra hồ Hàm Thuận, được thiết kế hình đĩa bay trông lạ mắt. Cột, kèo, rui, mè đều dùng tre, mái lợp lá dừa nước. Các vách ngăn và sàn, nền bằng đất sét hỗn hợp nên cách âm tốt và láng sạch, không hề dính màu đất vào chân.
Do các nhà nghỉ ở đây không đủ chỗ nên địa phương đã giúp liên hệ với Giáo xứ La Dày. Một số người trong đoàn chúng tôi được nghỉ ở khu nhà mục vụ của giáo xứ mới khánh thành tháng 7-2023.
Nhờ nghỉ ở Giáo xứ La Dày, chúng tôi được biết thêm Linh đài Thánh Antôn – một trung tâm hành hương của bà con Công giáo, khánh thành chưa đầy một năm. Nằm ở vị trí cao nên từ linh đài có thể nhìn rộng cảnh đẹp xung quanh. Hằng ngày, ngoài giáo dân trong vùng còn có đông khách hành hương đến thăm viếng.
Giáo xứ La Dày đang xây dựng lại nhà thờ mới, có hình dáng chiếc mai rùa núi. Công trình linh đài và nhà thờ sử dụng nhiều thiết bị năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường.
Công trình thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi đã “khai sinh” ra vùng đất Đa Mi tuyệt đẹp hôm nay. Chúng tôi nhận thấy tinh thần sẵn sàng hợp lực từ những doanh nghiệp đang cố gắng đầu tư phương tiện du ngoạn trên hồ, nhà hàng, nơi lưu trú, đến các cơ sở tôn giáo như Giáo xứ La Dày, chùa Quan Âm và cả những nhà vườn đã 15 – 20 năm tuổi.
Chúng tôi tin rằng với đà này, nếu địa phương có chính sách khuyến khích, cùng người dân tiếp tục hoàn thiện từng cơ sở vật chất, chỉn chu dịch vụ, đào tạo nhân sự chuyên nghiệp, đặc biệt là quan tâm quản lý môi trường xanh – sạch ở các điểm tham quan, ăn uống, lưu trú để phát triển bền vững… thì Đa Mi sẽ trở thành nơi lý tưởng cho du lịch sinh thái và cả du lịch vườn.
“Từ Đa Mi, du khách có thể đi tiếp đến Phan Thiết (khoảng 75 km) hay lên Bảo Lộc (gần 40 km). Giáo xứ La Dày – Linh đài Thánh Antôn rất gần với trung tâm hành hương Đức Mẹ Tà Pao và TP Bảo Lộc, rất thuận tiện để hình thành các tour hành hương kết hợp ngoạn cảnh, nghỉ ngơi ở nơi khí hậu mát mẻ.
//Chèn ads giữa bài
(runinit = window.runinit || []).push(function () {
//Nếu k chạy ads thì return
if (typeof _chkPrLink != ‘undefined’ && _chkPrLink)
return;
var adsId = ‘lmeadybm’;
var mutexAds = ”;
var content = $(‘[data-role=”content”]’);
if (content.length > 0) {
var childNodes = content[0].childNodes;
for (i = 0; i = 0) {
isPhotoOrVideo = true;
}
}
try {
if ((i >= childNodes.length / 2 – 1) && (i < childNodes.length / 2) && !isPhotoOrVideo) {
if (i <= childNodes.length – 3) {
childNode.after(htmlToElement(mutexAds));
arfAsync.push(adsId);
}
break;
}
}
catch (e) { }
}
}
});
function htmlToElement(html) {
var template = document.createElement('template');
template.innerHTML = html;
return template.content.firstChild;
}