‘Đội điều tra số 7’ – cuộc giải cứu con tin nghẹt thở
Con tin người Nhật bị bắt cóc, khống chế suốt hơn 100 km, trong bốn tập đầu phim “Đội điều tra số 7”.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Kẻ phạm tội trong các tập đầu là Long, vốn là một sinh viên lương thiện. Do khởi nghiệp thất bại, Long lâm vào cảnh đường cùng khi vay nặng lãi số tiền hàng tỷ đồng. Trong lúc quẫn bách vì người thân bị uy hiếp, Long cướp tiền vàng ở gia đình cậu ta là gia sư. Bị phát hiện, anh ta làm liều, uy hiếp người mẹ, khống chế cô bé là con lai Việt – Nhật.
Phần đầu không có nhiều chi tiết phá án, chủ yếu là các cảnh rượt đuổi, giải cứu con tin. Đạo diễn khắc họa chân dung các chiến sĩ công an nhanh trí, linh hoạt trong việc xử lý các tình huống nguy cấp. Trong quá trình truy bắt Long, một nữ chiến sĩ nảy ra ý kiến nhờ bạn gái anh ta thuyết phục. Nhờ vậy, tội phạm dao động, giúp đồng đội dễ dàng hành động.
Phim còn xây dựng hình tượng chiến sĩ với “cái đầu lạnh và trái tim nóng”. Thượng tá Lê Minh là người bắn phát sóng quyết định vào tội phạm để giải cứu con tin, nhưng chính anh lại truyền máu để cứu hắn sống sót.
Sau khi vụ án đầu tiên thành công, đội điều tra số 7 phát hiện nhiều manh mối mới. Lần về nơi ở của em gái Long, tra ra manh mối về nhóm cho vay nặng lãi. Nhóm trinh sát tìm ra hang ổ của tên chủ nợ nhưng khi đến nơi, kẻ cầm đầu đã bị thủ tiêu. Cuối tập bốn, họ lại vướng vào một vụ cướp tiệm vàng, chưa rõ hung thủ. Theo Thiếu tá Vũ Liêm, người biên tập kịch bản, các vụ án trong series đều liên đới nhau.
Tình huống lấy cảm hứng từ vụ giải cứu con tin gay cấn năm 1999, nạn nhân là cháu bé hơn bảy tháng tuổi của cặp vợ chồng người Nhật. Do con tin là người nước ngoài, vụ án đặc biệt nghiêm trọng vì liên quan vấn đề ngoại giao. Các chiến sĩ đội điều tra số 7 khi ấy đã bám theo tên tội phạm hơn 100 km trên quãng đường Hà Nội – Lạng Sơn, quyết định nổ súng vào phút chót. Trận đấu cân não đã trở thành cuộc giải cứu lịch sử của ngành.
Trên phim, nhân vật con tin đổi thành em bé khoảng 10 tuổi, bị câm điếc bẩm sinh, là học trò của kẻ bắt cóc. Do đã có sự thân thuộc, tội phạm dễ dàng hành động. Kịch bản cũng khiến các nhân vật bộc lộ cảm xúc: Long bắt cóc cô bé để uy hiếp nhưng không hề muốn lấy mạng con tin. Anh ta đứng giữa lằn ranh thiện và ác, dằn vặt về mỗi quyết định của mình. Không biết nói, ánh mắt của Nấm – cô bé bị bắt cóc – hoang mang. Ở giây phút nguy hiểm, Nấm vẫn tin Long, gia sư của mình.
Tác phẩm ghi điểm với nhịp phim nhanh, tái hiện không khí làm việc khẩn trương của các chiến sĩ trinh sát. Các cảnh truy bắt được quay với góc máy rộng, đẹp ở cung đường quốc lộ, tạo cảm giác hồi hộp. Cảnh huy động lực lượng, người và xe di chuyển làm nhiệm vụ khá hoành tráng.
Đóng vai Long, Trần Nghĩa diễn tốt sự thay đổi cảm xúc của nhân vật. Long xuất hiện với vẻ hiền lành, rụt rè. Khi thấy em gái bị nhóm đòi nợ thuê khống chế, anh ta mất bình tĩnh, dần mất kiểm soát. Lúc này, nhân vật thể hiện ánh mắt điên cuồng nhưng điệu bộ lại lóng ngóng do lần đầu phạm tôi. Đôi lúc, nhân vật lộ ra vẻ bất lực, hối hận.
Ngoài các phân cảnh liên quan quá trình phá án, phim khắc họa hình ảnh người chiến sĩ công an giữa cuộc sống đời thường. Đội trưởng đội điều tra Lê Minh giấu nhiều nỗi buồn vì biến cố gia đình. Anh không kịp có mặt lúc vợ qua đời, ít thời gian gần gũi con trai.
Đội điều tra số 7 do Điện ảnh Công an nhân dân sản xuất, dự kiến dài hàng trăm tập. Phần đầu gồm 15 tập, nói về vụ bắt cóc và vụ triệt phá đường dây ma túy. Bối cảnh phim chủ yếu diễn ra ở Hà Nội, nơi đặt trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự – Công an Hà Nội ở số 7 Thiền Quang, tiền thân của Đội điều tra số 7. Ngoài ra, êkíp ghi hình ở nhiều nơi như Điện Biên, Hòa Bình, đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Các cảnh rượt đuổi, cháy nổ được thực hiện thật 100%, không sử dụng kỹ xảo.
Nghệ sĩ Tạ Minh Thảo, Đức Trung, diễn viên Hà Việt Dũng, Minh Hương, đóng chính trong phim, vào vai các chiến sĩ Công an Nhân dân. Đạo diễn Mai Hồng Phong – có sở trường làm nhiều phim đề tài xã hội gai góc như Quỳnh Búp Bê, Những ngọn nến trong đêm – chỉ đạo phần một.
Hà Thu