Cựu vụ phó Trịnh Thanh Hùng: Kit test Việt Á ra đời không sai
Hà NộiCựu vụ phó Trịnh Thanh Hùng nói kit test Việt Á ra đời đúng thời điểm lịch sử quan trọng trong chống dịch, “không sai”, song lỗi của các bị cáo là ở khâu thẩm định, hiệp thương giá…
Chiều muộn 9/1, sau khi 74 luật sư của 38 bị cáo hoàn thành phần bào chữa, HĐXX cho các bị cáo được tự trình bày. Trước bục khai báo, cựu vụ phó Trịnh Thanh Hùng nói “cực kỳ đau đớn” khi mất tất cả những gì đã xây dựng, cống hiến suốt bao nhiêu năm.
Ông xin dành phần nhiều thời gian hơn để nói bối cảnh ra đời của kit xét nghiệm Covid-19 để HĐXX có góc nhìn khách quan, toàn diện, góp phần đánh giá đúng bản chất vụ án.
>>Mức án đề nghị với 38 bị cáo
Theo ông Hùng, tháng 3/2021, dịch bùng phát mạnh ở Việt Nam và cả trên thế giới. Lúc đó, nhiều nước phát triển có công nghệ, khoa học hiện đại cũng chưa sản xuất được các sinh phẩm chống dịch hoàn hảo.
Nói kit xét nghiệm Việt Á ra đời vào “đúng thời điểm lịch sử rất quan trọng”, nếu chậm 3-5 tháng sẽ chẳng còn ý nghĩa gì, ông Hùng đánh giá việc nghiên cứu, chế tạo đã “thành công xuất sắc”. Với ông, đây là “thành tựu khoa học” lúc bấy giờ.
“Kit xét nghiệm ra đời đã đóng góp rất lớn cho công tác chống dịch trên cả nước. Một số nước còn gửi công hàm cho Việt Nam để xin sử dụng kết quả chống dịch này”, ông Hùng đang lý giải thì bị chủ tọa ngắt lời, đề nghị nói đúng trọng tâm.
Tiếp tục trình bày, cựu vụ phó cho rằng “kit test Việt Á ra đời không sai và cũng không có tội lỗi”. Cái sai nhất, theo ông, là ở quá trình thẩm định giá, hiệp thương giá, công bố giá. “Bản chất là vậy nên mong HĐXX nhìn rõ, đánh giá khách quan”, ông Hùng nói.
Trước cáo buộc nhận 350.000 USD giúp đỡ Việt Á tham gia nghiên cứu đề tài, ông Hùng không cãi nhưng cho rằng hành vi này đã bị Tòa quân sự Thủ đô Hà Nội tuyên 15 năm tù ở vụ án khác với tội danh khác, giờ TAND Hà Nội lại tiếp tục xét tội.
Trong vụ án này, hôm qua, ông bị VKS đề nghị 14-15 năm tù về tội Nhận hối lộ. Tự bào chữa, ông Hùng cho rằng cùng một hành vi nhưng bị xét xử ở hai vụ, “án chồng án” khiến ông bị bất lợi.
VKS: Tiền các bị cáo gây thiệt hại mang đi giúp người nghèo sẽ có ích hơn nhiều
Như ông Hùng, Phan Quốc Việt trong hơn 10 phút tự bào chữa cũng mong tòa làm rõ bản chất vụ án để có bản án khách quan. Việt thừa nhận tất cả sai phạm, tự thấy “mọi việc đều xuất phát từ mình mà ra, để liên quan đến nhiều người”.
Việt cho rằng Hải Dương khi bùng dịch có 5 đơn vị được Bộ Y tế cử về hỗ trợ nhưng “đều hỏng”. Việt Á là đơn vị thứ 6 vào cuộc “với nhiều thị phi” nhưng chỉ 4 tuần sau đã chống dịch thành công.
“Bị cáo không kể công, mà ở đây có sự quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng. Lúc đó, ông Thăng còn bảo với bị cáo: Sao chú không đến sớm hơn, chỉ sớm tầm 10 ngày thôi để anh đỡ vất vả như thế này”, Việt tự bào chữa.
Không chỉ hỗ trợ địa phương về sản phẩm, Việt cho rằng kit test Việt Á còn giúp giảm nhiều về chi phí. Ở Hải Dương, Việt Á đã hoàn thành hơn 750.000 mẫu xét nghiệm chỉ với chi phí 131 tỷ đồng. Như vậy, một lượt người xét nghiệm chưa đến 20.000 đồng. Việt nói cùng lúc đó Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương cũng đang làm xét nghiệm ở tỉnh này với hợp đồng 17 tỷ đồng song “số lượng mẫu đạt được rất ít”.
Việt bào chữa rằng Việt Á đã “nghiên cứu” ra cách xét nghiệm mẫu gộp với máy móc, thiết bị, kit test tối ưu. “Chính điều này đã làm giảm chi phí đến vài nghìn tỷ đồng. Bị cáo mong HĐXX xét rõ giữa công và tội chứ đừng lấy công buộc tội mà tội cho bị cáo và những người khác”, Tổng giám đốc Việt Á nói.
Phản bác quan điểm trên, đại diện VKSND Hà Nội cho rằng sai phạm của các bị cáo “rất nghiêm trọng” nên buộc phải xử lý. Hành vi của 38 bị cáo đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, số tiền này nếu đem đi giúp đỡ cho người nghèo hoặc dùng để chống dịch sẽ có ích hơn rất nhiều.
Trước bào chữa của Việt, công tố viên cho rằng “đi chống dịch mà thu lợi bất hợp pháp, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi”. Việt lấy tiền hưởng lợi, chính là tiền của nhân dân, để hối lộ quan chức nhằm trục lợi nên “không thể xem xét đây là công” để giảm nhẹ mức xử lý.
Bởi vậy, VKSND Hà Nội đề nghị tòa phạt Việt tổng 30 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ là khách quan, hợp lý, đã xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ.
“Một ngày phong tỏa, Hải Dương bị thiệt hại 300 tỷ đồng”
Tự bào chữa, cựu bí thư tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đứng chắp hai tay trước bụng, xưng tôi để xin trình bày 3 nội dung chính. Về tội danh, ông không ý kiến nhưng đề nghị HĐXX “đánh giá đúng công, tội”.
Theo cựu bí thư, Hải Dương với dân số hơn 2 triệu người, quy mô kinh tế thứ 11 cả nước. Địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, công ty nước ngoài, công nhân lao động ngoại tỉnh đông, bởi thế chống dịch “rất quan trọng, cấp thiết”.
“Mỗi ngày bị cách ly, Hải Dương bị thiệt hại hơn 300 tỷ đồng, có lần chúng tôi phải giãn cách xã hội đến 16 ngày. Thế nhưng với sự quyết tâm cao độ, toàn tỉnh đã khống chế dịch chỉ sau 64 ngày. HĐXX cứ cộng ra mà tính xem chúng tôi đã có công với nền kinh tế địa phương như thế nào”, ông Thăng nói to, rõ ràng.
Về thiệt hại, ông Thăng cho rằng Hải Dương chỉ nằm trong phạm vi một tỉnh, không thể chi phối đến các địa phương khác. Hải Dương thiệt hại thứ 3 trong các tỉnh bị cáo buộc sai phạm do liên quan Việt Á nhưng ông thấy mức án đề nghị với các bị cáo lại cao nhất, chỉ một người được đề nghị án treo.
Ông Thăng “nhận trách nhiệm người đứng đầu” và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho ông cùng các bị cáo khác tại Hải Dương. Ông đánh giá đây là những người đã “kề vai sát cánh” cùng mình trong lúc chống dịch căng thẳng nhất.
Trong vụ án này, ông Thăng, cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cùng bị xét xử.
“Ba chúng tôi đều đã bị khai trừ khỏi Đảng nên đây đã là hình phạt nặng nề nhất, đau xót nhất. Chúng tôi không còn gì cả nhưng thấy thỏa đáng, không thắc mắc. Sắp tới, chúng tôi lại phải nhận án phạt hình sự nên đau lắm, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ”, ông Thăng trầm giọng nói, chủ động kết thúc phần bào chữa.
Tối nay, phiên tòa vẫn đang diễn ra.
Thanh Lam – Phạm Dự